Tăng lương tối thiểu vùng sẽ là động lực để người lao động tiếp tục cống hiến
Hà Nội - Tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ 1.1.2026 được kỳ vọng là cú hích tinh thần để người lao động yên tâm gắn bó, tiếp tục cống hiến vì doanh nghiệp.
Ông Phan Thanh Hải (ngoài cùng, bên phải) cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng sẽ là động lực để người lao động tiếp tục cống hiến. Ảnh: Hải Thanh
Thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2026 đã được nhiều người lao động cũng như đội ngũ cán bộ Công đoàn chia sẻ.
Từ góc độ là một cán bộ công đoàn cơ sở lâu năm, luôn sâu sát tình hình đời sống, việc làm; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam - khẳng định, mức tăng này sẽ là động lực để người lao động tiếp tục cống hiến.
Ông Hải phân tích với mức tăng đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2026, tương tương mức tăng 250.000 - 350.000 đồng tùy khu vực sẽ góp phần động viên người lao động bởi họ thấy được quan tâm thiết thực.
Sở dĩ như vậy vì trong bối cảnh lạm phát gia tăng, việc điều chỉnh lương tối thiểu đồng nghĩa thu nhập của người lao động được tăng. Dù ít, dù nhiều cũng giúp người lao động có thêm 1 khoản để góp phần trang trải cuộc sống.
Đối với những doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tốt, quan tâm tới đời sống người lao động - tài sản của doanh nghiệp - thì việc tăng lương tối thiểu vùng không gây ra tác động. Vì thực tế có những doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối vùng theo quy định.
Việc cùng thống nhất mức đề xuất tăng lương thiểu vùng từ 1.1.2026 thể hiện tinh thần chia sẻ giữa tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp, qua đó tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng.