A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh phát hiện kho hàng lậu “ẩn danh” điều hành bằng phần mềm Trung Quốc, liên kết hàng trăm tài khoản TikTok

Ngày 10/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh vừa công bố kết quả kiểm tra kho hàng hơn 47 nghìn sản phẩm nhập lậu đặt tại phường Móng Cái 3, cho thấy thủ đoạn buôn lậu xuyên biên giới ngày càng tinh vi nhờ tận dụng nền tảng thương mại điện tử và phần mềm điều hành từ xa.

Theo tài liệu công bố, ngày 8/7, Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra một kho hàng nằm trong khuôn viên Công ty cổ phần thương mại Đồng Tâm, phường Móng Cái 3.

Đây là địa điểm được ông Đỗ Văn Quang, trú tại phường Móng Cái 2, thuê lại (hiện ông Quang đã tử vong trước thời điểm kiểm tra gần hai tuần).

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 47.127 sản phẩm vi phạm, gồm: 16.166 mặt hàng mỹ phẩm nhập lậu (ước tính 1,1 tỉ đồng); 15.511 sản phẩm tiêu dùng nhập lậu (khoảng 80 triệu đồng); 15.450 mặt hàng không rõ nguồn gốc (khoảng 65 triệu đồng). Tổng giá trị lô hàng vi phạm ước tính trên 1,2 tỉ đồng.

Phần mềm quản lý kho, cài đặt hoàn toàn bằng tiếng Trung, được lập trình để kết nối trực tiếp với hàng trăm tài khoản TikTok bán hàng và nguồn cung từ sàn thương mại điện tử 1688.com. Nhân viên tại kho chỉ in vận đơn có sẵn, chuyển cho đơn vị giao nhận; toàn bộ quá trình đặt hàng, cập nhật tồn kho, thanh toán và thống kê doanh số đều được xử lý từ xa qua máy chủ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhật ký hệ thống ghi nhận giao dịch từ 15/2/2025 với tổng doanh thu khoảng 12 triệu nhân dân tệ (hơn 41 tỉ đồng).

Theo ông Phạm Văn Công (em rể ông Quang), toàn bộ kho được ông Quang cho một công dân Trung Quốc tên A Pin thuê. Đến thời điểm kiểm tra, ông Công khẳng định số hàng không thuộc sở hữu gia đình.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Đội trưởng Đội QLTT số 1, cho biết: “Thủ đoạn mới là kho ảo – hàng thật: đối tượng thuê kho đứng tên người Việt, dùng phần mềm nước ngoài điều khiển, gắn với hàng loạt tài khoản TikTok để nhận, chốt đơn, xuất hàng ngay tại Quảng Ninh. Mọi dữ liệu lưu trữ bằng tiếng Trung, tách biệt hệ thống kiểm soát của Việt Nam, gây khó khăn lớn cho việc truy vết dòng tiền.”

Ngay sau vụ việc, Cục QLTT Quảng Ninh đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để giám định, đồng thời phối hợp Công an kinh tế và Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) truy xuất dữ liệu máy chủ, làm rõ danh tính các tài khoản TikTok liên quan.

Từ đầu năm 2025, Cục QLTT ghi nhận hơn 20 vụ tương tự tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Điểm chung là: Tận dụng livestream bán hàng, “đặt cọc – chốt đơn” trên TikTok Shop. Kho vận hành tự động bằng phần mềm Trung Quốc, dùng nhân viên Việt Nam chỉ để soạn hàng. Giao dịch thanh toán qua ví điện tử, tài khoản ngân hàng “rác”, khó truy vết.

Cơ quan chức năng kêu gọi người tiêu dùng cảnh giác khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội, ưu tiên lựa chọn gian hàng chính hãng, yêu cầu chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, và phản ánh kịp thời các dấu hiệu buôn lậu, gian lận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật