A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

3 trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc

 Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã đưa ra đề xuất 03 trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc và một số quy định mới về thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, tại dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức. Trong đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 "Trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc" như sau:

Công chức được hưởng chế độ thôi việc quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong ba trường hợp sau: trường hợp thứ nhất, theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý;

Trường hợp thứ hai, do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức;

Trường hợp thứ ba, công chức có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng.

Như vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi đã bổ sung trường hợp thứ ba là đối tượng công chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để thực hiện chủ trương khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi đối với công chức, theo đó đối với trường hợp này không thuộc đối tượng tinh giản biên chế như Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Đồng thời, bước đầu thực hiện đối với đối tượng là công chức, khi ổn định về chính sách sẽ đánh giá tác động, xem xét, sửa đổi, bổ sung để áp dụng chính sách tương tự đối với đội ngũ viên chức.

Đối với đội ngũ công chức cấp xã trước mắt chưa xem xét bổ sung để thực hiện chế độ khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi để bảo đảm tính ổn định của đội ngũ này.

Về trợ cấp thôi việc, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP về "trợ cấp thôi việc" như sau: công chức thôi việc theo quy định tại trường hợp 1 và trường hợp 2 nêu trên được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng.

 

Còn đối với công chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng quy định tại trường hợp 3 nêu trên thì ngoài chế trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 1 Điều này và chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội còn được hưởng các chế độ sau:

Một là, được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động;

Hai là, được nâng bậc lương, nâng ngạch trước thời hạn, cụ thể: công chức chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ mà trong thời gian giữ bậc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật và tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi còn thiếu từ 01 đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu.

Còn công chức đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ, đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, không bị kỷ luật trong thời gian 3 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì được nâng ngạch không qua thi lên ngạch trên liền kề để nghỉ hưu.

Bộ Nội vụ cho biết đây là những chính sách khuyến khích thêm đối với công chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng, theo đó ngoài chính sách theo quy định tại khoản 1 (như trợ cấp thôi việc đối với các đối tượng hiện hành, đồng thời tương tự với chính sách quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP nhưng tính trực tiếp theo năm công tác, bảo đảm tính công bằng, theo đó nếu công tác nhiều năm hơn thì sẽ hưởng trợ cấp nhiều hơn) thì còn được hưởng thêm các chính sách theo quy định trên mà đối tượng thôi việc và không hoàn thành nhiệm vụ không được áp dụng.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP như sau: “1. Thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp hồ sơ của công chức không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí”.

 
 

Tác giả: B.Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật