An cư và sinh kế để người dân không tái nghèo
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chính sách nhân văn, mang tính đột phá trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Nhưng để người dân thực sự “an cư lạc nghiệp”, việc tiếp theo cần làm ngay là tạo sinh kế, việc làm ổn định - bởi một mái nhà vững chãi không thể thay thế cho cơm áo hằng ngày.
Chưa đầy 1 năm sau khi Chính phủ phát động chương trình xóa nhà tạm, cả nước đã hoàn thành hơn 260.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến chương trình sẽ về đích trước thời hạn. Đó là một kỳ tích chưa từng có - được thực hiện bằng tốc độ “thần tốc”, tinh thần “không bàn lùi”.
Tuy nhiên, vẫn cần phải nhìn nhận một thực tế là: Xóa nhà tạm là bước đi đúng, là hành động đẹp, là sự vào cuộc rất tích cực của hệ thống chính trị. Nhưng nếu không có sinh kế, việc làm ổn định đi kèm, căn nhà mới sẽ chỉ là khoảng lặng ngắn trong hành trình bấp bênh của người nghèo.
Điển hình như ở Cà Mau, trước khi sáp nhập, dù đã hỗ trợ nhà ở cho hơn 6.900 hộ khó khăn, vẫn còn hơn 5.900 hộ cần được hỗ trợ sinh kế. Đã có cán bộ thẳng thắn nói rằng: “Không thể để nhà mới thành nơi... che đói. Phải có kế hoạch sống lâu dài thì nhà ở mới có ý nghĩa”.
Đây là hướng đi đúng đắn và cần được nhân rộng. Bởi lẽ, chỉ có thu nhập ổn định mới giúp người dân giữ được căn nhà mới, nuôi con học hành, chăm sóc người thân đau ốm và thoát khỏi cảnh bấp bênh dựa vào trợ cấp.
Cần thay đổi tư duy từ hỗ trợ đơn lẻ sang trao cơ hội toàn diện. Không chỉ là căn nhà hay con bò, mà là mô hình sản xuất - tiêu thụ khép kín, là đào tạo nghề phù hợp với năng lực thực tế của người dân, là kết nối thị trường và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm đến nhóm yếu thế: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Đây là nhóm dễ bị tái nghèo nếu thiếu chính sách sinh kế đặc thù.
Thể chế cũng cần thay đổi, tích hợp sinh kế vào các chương trình mục tiêu quốc gia, xem xét xây dựng bộ tiêu chí “thoát nghèo bền vững” bao gồm cả tiêu chí về việc làm, thu nhập, kỹ năng lao động - thay vì chỉ căn cứ vào tài sản, nhà ở.
Căn nhà phải đi cùng công việc. An cư là điều kiện cần - nhưng muốn lạc nghiệp, cần có thu nhập ổn định. Và để giảm nghèo bền vững, chúng ta không thể dừng lại ở nơi ở - mà phải đi tiếp đến chỗ làm, đến mô hình sản xuất, đến chợ - nơi người dân thực sự đổi đời bằng chính bàn tay và trí lực của họ.