Bảo đảm thực thi Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa
Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là một trong những mục tiêu quan trọng của các Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2021 - 2023.
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu, ngành văn hóa đã lồng ghép công tác bình đẳng giới vào các chương trình, kế hoạch, đề án và hoạt động, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa.
Bình đẳng giới trong bối cảnh hội nhập văn hóa
Quá trình hội nhập ở Việt Nam đã tạo ra những tiền đề mạnh mẽ và sâu rộng để nền văn hóa nghệ thuật của nước ta giao thoa, ghi dấu ấn với khu vực và thế giới, thúc đẩy những đổi mới tích cực về tư duy văn hóa, quản lý văn hóa, phát triển văn hóa đa dạng, đối ngoại văn hóa,… Theo đó, song song với việc xác định được mô hình phát triển của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa trên nhiều khía cạnh còn góp phần khuyến khích hàng loạt các thay đổi trên các phương diện thụ hưởng cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và thay đổi ứng xử liên quan đến bình đẳng giới (BĐG).
Mục tiêu của BĐG tại Việt Nam và trên thế giới đều hướng tới xóa bỏ phân biệt đối xử về giới. Điều này có nghĩa là tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực, tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Thời gian qua, việc thực hiện các mục tiêu về BĐG và thực thi các quy định về BĐG trong các lĩnh vực đời sống chính trị, dân sự, văn hóa, kinh tế và xã hội luôn là mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, mối quan tâm này đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách, kế hoạch, luật và các văn bản dưới luật.
Cụ thể, tại Điều 16 Luật BĐG 2006 cho biết: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao. Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin”. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập và rèn luyện để phát triển toàn diện của con người. Theo đó, nam, nữ được bình đẳng tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức được các giá trị cốt lõi để vận dụng và phát huy tối đa khả năng của bản thân. Đồng thời, họ cũng được thừa hưởng, cảm nhận những nét đẹp, các giá trị của nền văn hóa, chủ động phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, đã nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc BĐG trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Đồng thời, Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, một lần nữa khẳng định “bảo đảm quyền BĐG trong lĩnh vực văn hóa” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.
Đẩy mạnh xử lý vi phạm, tăng tính răn đe xã hội
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nhằm nâng cao và khẳng định vai trò của phụ nữ. Nhằm bảo đảm BĐG trong việc tiếp cận và thụ hưởng nhu cầu văn hóa giữa nam và nữ, ngành văn hóa đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG, về các hoạt động văn hóa đảm bảo không phân biệt, định kiến giới, với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú.
Đáng nói, nội dung BĐG trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhất là từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thực hiện BĐG trong gia đình, giảm bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.
Tuy nhiên, để việc thực thi các quy định phát luật về BĐG trong lĩnh vực văn hóa một cách thực chất, khắc phục được những bất cập, hạn chế trên thực tế, các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc giám sát phục vụ phản biện xã hội; nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em; đồng thời xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm để răn đe xã hội.
Pháp luật đã quy định rõ những hành vi vi phạm quy định về BĐG trong lĩnh vực văn hóa có thể bị xử phạt nặng. Theo Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BĐG liên quan đến văn hóa, thể dục, thể thao; mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 30 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Các hành vi vi phạm pháp luật về BĐG trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có thể kể tới: Cản trở nam, nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn và tham gia các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới; Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất BĐG, định kiến giới...
Bên cạnh phạt tiền, pháp luật còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tháo dỡ, sửa đổi, thay thế hoặc đính chính các tác phẩm có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền phân biệt đối xử về giới. Nếu không tháo dỡ, sửa đổi, thay thế hoặc đính chính thì buộc tiêu hủy các tác phẩm có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền phân biệt đối xử về giới. Mặt khác, cá nhân, tổ chức vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi sáng tác các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền phân biệt đối xử về giới, định kiến giới.
Thiết nghĩ, hành lang pháp lý chặt chẽ, cùng với việc thực thi nghiêm chỉnh các quy định về BĐG trong hoạt động văn hóa góp phần phát huy thế mạnh của các giới trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc nâng cao ý thức pháp luật, nhận thức xã hội về BĐG sẽ tiếp thêm cảm hứng, niềm tin, sức mạnh cho những đối tượng yếu thế phát huy những giá trị nội tại và chủ động tham gia vào những hoạt động văn hóa, góp thêm tiếng nói, cảm nhận và sức sáng tạo của bản thân. Một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc chính là nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người.