A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng: Cú huých cho nền kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện trên tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.

Doanh nghiệp, người dân hưởng lợi

Đánh giá về gói hỗ trợ, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - chia sẻ: Với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, nhiều người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước. Để tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, gói giảm 2% thuế VAT là giảm cho người tiêu dùng. Hỗ trợ này kích thích mạnh tiêu dùng trong nước - là trụ đỡ quan trọng cho các doanh nghiệp. Đây sẽ là một cú huých rất mạnh để thúc đẩy thị trường trong nước.

"Gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu giải ngân trọn vẹn thì sẽ đưa được 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi"- GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, đồng thời nhấn mạnh, với nếu triển khai có hiệu quả thì kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ phục hồi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cũng đưa ra nhận định, các chính sách trong gói hỗ trợ sẽ tạo ra động lực giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế. Đây là cơ hội cho nền kinh tế phát triển trong dài hạn. Từ cơ hội đó, có thể đạt được mức tăng trưởng 6,5% như Quốc hội và Chính phủ đề ra, thậm chí có thể đạt cao hơn từ 7 - 7,5% trong năm 2022. Là tiền đề cho bước phát triển trong những năm tiếp theo, vượt qua bẫy tăng trưởng trung bình.

Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng: Cú huých cho nền kinh tế

Giảm 2% thuế VAT trong năm 2022

Xác định đúng đối tượng, lĩnh vực

Chính sách đã có, nhưng làm sao để sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thì việc triển khai đúng và trúng là hết sức quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, cần bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả. Đặc biệt, cần phải xác định đúng đối tượng, lĩnh vực, đúng ngành nghề để hỗ trợ. Và điều quan trọng nhất phải lấy hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu chính xem xét hiệu quả của chính sách này.

Theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thứ nhất, phải tiếp tục rà soát kỹ hơn đối với những đối tượng nhận hỗ trợ. Thứ hai, phải có một quy trình rõ ràng. Quá trình triển khai chính sách cần cụ thể để từ đó đảm bảo công khai, bình đẳng. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách.

Thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết, có thể nói chính sách tài khóa là một trong những nội dung cơ bản của gói hỗ trợ lần này. Về thể chế, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan để khởi thảo việc cụ thể hóa Nghị quyết, cố gắng hoàn tất trong tháng 1/2022. Đặc biệt, để hỗ trợ đúng đối tượng, ngoài việc có thông điệp để doanh nghiệp thụ hưởng nắm được, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận.

Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp thông tin thêm, trong gói hỗ trợ lần này đã có thêm các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã – đây là nhóm yếu thế rất cần được hỗ trợ. Còn với doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính vẫn đang nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách đột phá hơn. Bên cạnh đó, trong gói chính sách này, không chỉ có các chính sách phục vụ phục hồi mà có cả chính sách khác như tận dụng quỹ phòng vệ để tạo ra làn sóng khởi nghiệp, hệ sinh thái ở các tập đoàn lớn. Chúng tôi đang tập trung để tham mưu cho Chính phủ ngay trong quý I/2022. n

Đỗ Nga
 

Tác giả: Le Viet Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan