A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình xây dựng tổ ấm cho người vô gia cư của các bạn trẻ 10X

Với tâm niệm “Máu đỏ da vàng, mình là người Việt Nam. Mình phải yêu thương chính đồng bào của mình”, ba bạn trẻ 10X đang ngày đêm nỗ lực đem đến hy vọng đổi đời cho những cụ già vô gia cư ở Hà Nội.

Đặt mình vào hoàn cảnh của những người vô gia cư

Cũng như bao bạn trẻ khác, Thanh Hải (sinh năm 2000), Minh Sơn (sinh năm 2002) và Vương Anh (sinh năm 2002) đến từ Thanh Hóa đang tất bật, hào hứng đi qua quãng đời sinh viên sôi nổi với nhiều hoài bão. Ngoài học tập, họ đã từng dành nhiều thời gian cho bạn bè, cho những khám phá và trải nghiệm ở vùng đất mới.

Cho đến một hôm, khi đi ngang qua con phố của Hà Nội, Thanh Hải tình cờ phát hiện một cụ ông co ro ở góc vườn hoa. Thanh Hải vẫn nhớ hôm đó là đêm 25/12, cả miền Bắc đang hứng chịu đợt gió mùa lạnh nhất trong năm, nhiệt độ giảm sâu còn 11 độ. Vậy mà, ông chỉ có đúng một chiếc chăn mỏng để đắp. Chính giây phút ấy, Thanh Hải tự nhủ phải làm gì đó để giúp đỡ ông cũng như nhiều cụ già có hoàn cảnh éo le khác.

Hành trình xây dựng tổ ấm cho người vô gia cư của các bạn trẻ 10X
Các bạn trẻ nhóm "Hà Nội chung tay" đến tìm và thuyết phục những người vô gia cư về ngôi nhà chung

Thanh Hải mang trăn trở ấy về tâm sự với Minh Sơn và Vương Anh rồi dẫn hai em đi khắp các con phố của Hà Nội để tìm gặp những mảnh đời kém may mắn như cụ ông đó. Qua những trải nghiệm thực tế, ba anh em quyết định thành lập nên dự án “Hà Nội chung tay” để giúp đỡ những người vô gia cư.

Minh Sơn chia sẻ: “Bản thân chúng mình tuy không phải khá giả nhưng vẫn có cơm ăn áo mặc đủ đầy nên khi gặp những hoàn cảnh như vậy, chúng mình thấy xót thương vô cùng. Những đêm giá rét, đến ba anh em là thanh niên ở nhà đắp chăn, bật điều hòa sưởi mà vẫn thấy lạnh, huống hồ là những cụ ông, cụ bà già yếu. Mình cứ thử đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của họ, lúc đó mình sẽ cảm thấy như thế nào?”.

Vô vàn khó khăn bủa vây

Quyết tâm đón những người già vô gia cư về chăm sóc, ba anh em Thanh Hải, Minh Sơn và Vương Anh chạy đôn đáo khắp nội thành để tìm thuê nhà, xây dựng tổ ấm cho các cụ. Cuối cùng, ba người cũng tìm được một căn nhà khang trang, sạch sẽ ở ngõ Văn Chương, thuộc quận Đống Đa.

Ngôi nhà chung tại  số 12, ngách 51, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP.Hà Nội
Ngôi nhà chung tại số 12, ngách 51, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội

Tìm được nhà mới chỉ là bước đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa dự án nhiều gian nan. Thuê nhà xong xuôi nhưng dự án lại chưa đón được những cụ già vô gia cư về ở, trừ cụ ông Hải gặp hôm trước. “Hoặc có những cụ chúng mình đón về nhưng mấy hôm sau lại nằng nặc bỏ đi”, Thanh Hải cho biết thêm.

Bên cạnh đó, tìm người có hoàn cảnh khó khăn thực sự không phải là chuyện dễ dàng. Minh Sơn bộc bạch: “Có nhiều trường hợp trà trộn, giả làm người vô gia cư để xin ăn hoặc xin tiền từ các tổ chức thiện nguyện nên chúng mình phải quan sát rất kỹ. Khi tìm được rồi, nói chuyện làm sao để họ chấp thuận cho mình đón về lại càng khó. Thứ nhất bởi chúng mình hoàn toàn là những người xa lạ, nhiều người họ sẽ không tin. Thứ hai, có những người mặc dù khó khăn nhưng lòng tự tôn của họ lớn, họ không muốn nhận sự giúp đỡ từ bất kỳ ai”.

Các cụ ở phòng riêng, khang trang, sạch sẽ
Các cụ ở phòng riêng, khang trang, sạch sẽ

Ngoài thuyết phục và đón đưa các cụ về ngôi nhà chung để chăm sóc, ba thành viên sáng lập dự án còn gặp nhiều khó khăn về tài chính. “Ngay từ khi mới lên kế hoạch thực hiện, ba anh em xác định tự bỏ tiền ra và đến hiện tại, chúng mình vẫn chưa kêu gọi bất kỳ nguồn vốn nào từ bên ngoài. Tiền thuê nhà một tháng ở đây là 6.500.000 đồng, chưa tính phí điện, nước, các đồ dùng sinh hoạt cho các cụ. Ngoài ra, chúng mình vẫn phải lo cho cuộc sống riêng như tiền nhà trọ hàng tháng, tiền học,… Có những lúc đến kỳ trả các loại tiền, chúng mình phải xoay xở, vay mượn nhiều nơi mới đủ”, Thanh Hải nói.

Nụ cười trên gương mặt của những người vô gia cư

Từng ấy khó khăn tưởng chừng như sẽ cản bước ba anh em phát triển “Hà Nội chung tay” nhưng trái lại những khó khăn ấy lại tiếp thêm nguồn lực để Thanh Hải, Minh Sơn và Vương Anh cố gắng mỗi ngày. “Nhiều lúc ba anh em cũng nản chí nhưng lại nghĩ nếu mình bỏ cuộc bây giờ thì ai sẽ lo cho các cụ. Họ rồi sẽ lại bơ vơ, không nơi nương tựa”, Vương Anh nói.

Trải qua 3 tháng hoạt động, đến nay căn nhà nhỏ ở ngõ Văn Chương đã là nơi chở che cho 3 cụ ông vô gia cư. Mỗi người đều có hoàn cảnh đặc biệt như ông Nguyễn Bá Thành do vợ mất, sa cơ lỡ vận nên vô tình trở thành người vô gia cư; Cụ Đỗ Văn Phương (90 tuổi) không nhớ đã bao lâu không gặp con cháu và kiếm sống bằng nghề nhặt rác...

Các cụ cùng nhau chia sẻ những bữa cơm tại ngôi nhà chung
Giờ đây các cụ đã có một mái ấm để trở về

Ông Quý đã ở ngôi nhà chung được gần một tháng. Trước đây, nhà ông Quý ở phố Hà Trung, sau đó do vợ ốm và làm ăn thua lỗ, không có điều kiện chi trả nên ông phải bán nhà. Sợ các con lo lắng, ông giấu không cho các con đang sinh sống trong TP Hồ Chí Minh biết. Một mình bơ vơ, không nhà không cửa, ông ra bờ sông ở và câu cá kiếm sống qua ngày. Khi được “Hà Nội chung tay” đón về ngôi nhà chung, ông không giấu khỏi xúc động: “Ở dưới sông, mưa gió lạnh vô cùng. Khi được đón về nhà thì ấm cúng hẳn lên. Các anh ở đây thỉnh thoảng lên tâm sự, chơi cờ cùng nên ông rất vui”.

Ông Thành cùng bạn Thanh Hải chơi cờ vào những lúc rảnh rỗi
Ông Quý cùng bạn Thanh Hải chơi cờ vào những lúc rảnh rỗi

Việc làm của các bạn không chỉ mang lại những đổi thay cho số phận của những người vô gia cư mà còn thay đổi được nhận thức của người dân xung quanh. Chú Bùi Minh Dũng, cư dân ở ngõ Văn Chương cho biết: “Trong xã hội ngày nay, có nhiều gia đình đẩy bố mẹ già ra ngoài đường sống. Điều đó khiến chú bức xúc. Vậy nên chú rất ủng hộ việc làm của các bạn nhóm “Hà Nội chung tay” và cảm thấy vui khi chúng ta có thể chung tay mang lại cuộc sống mới cho những hoàn cảnh kém may mắn”.

Các cụ cùng nấu và ăn cơm tại ngôi nhà chung
Các cụ cùng nấu và ăn cơm tại ngôi nhà chung

Chia sẻ về những dự định tương lai, ba thành viên cho biết khi dự án phát triển hơn, các bạn sẽ thành lập dự án ở các tỉnh khác. Sau đó, các bạn sẽ triển khai dự án hai với mục đích tạo công ăn việc làm cho các cụ. Khi ấy mọi người kiếm được tiền từ chính đôi bàn tay mình và có thể tự phục vụ, không phải dựa dẫm bất kì ai.


Tác giả: Ánh Dương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật