A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CEO Trungnam Group: Năng lượng tái tạo muốn thu được tiền phải làm tới cùng

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết khác với bất động sản chỉ cần làm 20% là có thể thu được tiền, với năng lượng tái tạo (NLTT) phải làm tới bước cuối cùng, thử nghiệm xong mới thu được tiền.  Tuy nhiên hấp dẫn ở ngành này là sự ổn định, không gây ô nhiễm, sản phẩm không sài thì vẫn còn đó nếu như có nguyên liệu đầu vào… tất nhiên vẫn có rủi ro.

Buổi gặp gỡ các nhà đầu tư của Trungnam Group ngày 03/11. Ảnh: Trungnam Group

Kỳ vọng doanh thu bán điện 1 tỷ USD vào năm 2026

Tại buổi gặp gặp gỡ nhà đầu tư ngày 03/11, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu hiện nay, sự cạnh tranh của các nhà đầu tư NLTT để có thể mua sắm thiết bị và kiểm soát chi phí là rất khốc liệt.

Tập đoàn may mắn có được kinh nghiệm triển khai thành công, đúng tiến độ, đúng kế hoạch và đúng ngân sách với hơn 10 dự án tại Việt Nam và vì thế luôn nhận được sự ưu ái từ các nhà cung cấp thiết bị, các tổ chức tài chính song phương, đa phương và ngân hàng trong nước.

Cũng chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bà Đỗ Tú Anh, Phó Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết tổng công suất phát điện lên lưới điện quốc gia của Tập đoàn là 1.61 GW. Trungnam Group kỳ vọng đưa tổng công suất lên 4.8 GW vào năm 2026 nhờ các dự án năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện gió.

“Mục tiêu tăng trưởng doanh thu bán điện của Trung Nam Group từ mức 200 triệu USD năm 2021 lên tới 1 tỷ USD vào năm 2026, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) đạt khoảng 90%”, bà Tú Anh chia sẻ.

Bà Đỗ Tú Anh, Phó Tổng giám đốc Trungnam Group chia sẻ tại sự kiện.

Thông tin thêm, Tập đoàn đang sở hữu 9 nhà máy phát điện lên lưới. Tiêu biểu trong số này là nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam tại Ninh Thuận có công suất 450 MW, lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 12,000 tỷ đồng, đã được khánh thành vào ngày 12/10/2020.

Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group cũng chia sẻ song song với mảng năng lượng, Tập đoàn cũng có nguồn thu nhất định đến từ các lĩnh vực trong hệ sinh thái bao gồm hạ tầng, xây dựng, công nghiệp điện tử, bất động sản... tất cả các lĩnh vực đang vận hành.

Về bất động sản, Trungnam Group có khoảng gần 600 ha đất chưa khai thác, tất cả đều là đất được đền bù, giải phóng mặt bằng, có được từ việc làm các dự án qua các hình thức đầu tư đối tác công tư. Dù vậy, đại diện Tập đoàn chia sẻ: “Bất động sản không phải nghề chính của Trung Nam mà là tích lũy”.

Kế hoạch huy động vốn ngoại

Dự đoán bức tranh thị trường năm 2023 và những năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án NLTT vẫn đang dở dang khi không kịp giá ưu đãi và đang đợi chính sách giá. Tổng Giám đốc Nguyễn Tâm Tiến cho rằng khác với bất động sản chỉ cần làm 20% là có thể thu được tiền, với NLTT phải làm tới bước cuối cùng, thử nghiệm xong mới thu được tiền.

“Tuy nhiên hấp dẫn ở ngành này là sự ổn định, không gây ô nhiễm, sản phẩm không sài thì vẫn còn đó nếu như có nguyên liệu đầu vào… tất nhiên vẫn có rủi ro”, ông Tiến nói.

Phải biết rằng dư địa của thị trường năng lượng còn rất lớn khi nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đang rất thấp so với Thái Lan, Indonesia… và giá điện cũng ở mức rất thấp. Do đó kịch bản lắp đặt với công suất của ngành tới 2045 là rất lớn.

Đúc kết lại, ông Tiến cho rằng thị trường gắn với 4 chữ “T” bao gồm tiềm năng (điện mặt trời và điện gió); tiềm lực; thách thức (chính sách, cơ chế, cơ hội) và triển vọng (thành công).

Nhà máy điện gió của Trungnam Group tại Ninh Thuận. Ảnh: Trungnam Group

Để đón đầu tiềm năng với dư địa thị trường đó, Trungnam Group có kế hoạch huy động vốn quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật