Có khiến doanh nghiệp đang “khốn” lại thêm “khó”?
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, một số điều khoản tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường, khiến họ càng khó khăn khi hậu quả của dịch Covid-19 còn chưa được khắc phục.
Doanh nghiệp lo tăng thêm chi phí, gánh nặng
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, một số hiệp hội ngành nghề đã có ý kiến bày tỏ sự không đồng tình về một số điều khoản quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà Bộ Tài Nguyên Môi trường đang lấy ý kiến.
Theo dự thảo này, các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải. Trong khi giá thành đầu tư hệ thống tính sơ đã mất hàng tỷ đồng, chi phí vận hành trung bình từ 10-30 triệu đồng/tháng... vừa đắt đỏ, kết quả không chính xác mà vẫn có nguy cơ bị phạt.
Cụ thể, theo dự thảo, các cơ sở chế biến thủy sản bị ngành chế biến thủy sản bị xếp vào mức III của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” của phụ lục 5 “Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” có lưu lượng xả nước thải ra môi trường chỉ từ 200m3/ngày trở lên thì phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Như vậy, quy định này đã giảm từ mức 1.000m3/ngày (theo quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP) xuống 200m3/ngày (thời gian tới). Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, yêu cầu này khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao, hơn nữa không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được.
Mặt khác, đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỷ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc, nhưng cái đáng nói hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác.
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là một tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc một tháng/lần.
"Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là ba tháng/lần. Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các doanh nghiệp có vùng nuôi", VASEP nhận định.
Về thủ tục cấp giấy phép môi trường, theo các hiệp hội, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin cấp giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin cấp giấy phép môi trường. Quy định này làm tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả.
Doanh nghiệp lo tăng gánh nặng, chi phí vì nghĩa vụ môi trường |
“Luật Bảo vệ môi trường quy định hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường gồm 3 mục. Trong dự thảo này cũng gồm 3 mục lớn, trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phức tạp. Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM, nhiều mục trùng lắp khác”, ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết.
Theo đại diện EuroCham, dự thảo đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con.
Trong đó, chỉ riêng phần chính của Nghị định, chưa bao gồm phụ lục, đã có tới 379 từ giấy phép với hàng chục loại giấy phép khác nhau, từ giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế….
Bất cứ doanh nghiệp nào từ nhỏ đến lớn cũng phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các doanh nghiệp có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép.
“Thực sự đây là một thủ tục hành chính vô cùng phức tạp và gây gánh nặng lớn về văn bản giấy tờ, nguồn lực và tài chính, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, do doanh nghiệp nhiều lần phải xin, trình, nộp rất nhiều lần, nhiều cấp khảo sát, cấp giấy phép. Thậm chí, khi có thay đổi cũng phải đi xin lại giấy phép rất nhiêu khê, phức tạp”, đại điện EuroCham cho biết.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, việc bổ sung công thức tính mức phí, tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế, cơ chế quản lý thu chi của dự thảo chưa rõ ràng và chưa phù hợp. Từ đó, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện mức phí và quản lý thiếu minh bạch đối với số phí thu được.
Theo Vitas, với số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hiện nay của Việt Nam, chi phí mà các cơ sở phải bỏ ra để làm kiểm toán là một chi phí không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí ngày cao do khủng hoảng kinh tế từ dịch bệnh.
Đối với điều khoản “xử lý trường hợp không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế”, theo đại diện cho khối doanh nghiệp dệt may, cần bỏ quy định về số tiền truy thu 30% và tăng 10% trong kỳ tiếp theo, vì điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với Nghị định về xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý phí, lệ phí, cũng như không có trong Luật Bảo vệ môi trường.
Mặt khác, theo các hiệp hội doanh nghiệp, lộ trình thực hiện dự thảo có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, kinh doanh và vốn đầu tư do tác động của dịch bệnh Covid -19, người lao động chưa trở lại hoạt động bình thường là một áp lực lớn.
“Nếu phải nộp phí tái chế ngay từ đầu năm tới thì các cơ sở càng thêm khó khăn, giá bán sản phẩm của hầu hết các ngành cũng phải tăng lên ảnh hưởng đến mức sống của người dân, chưa kể đến các cơ sở cũng đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống tái chế của cơ sở vào thời điểm dịch bệnh này”, đại diện Vitas nhấn mạnh.
Hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến doanh nghiệp
Sau khi nhận được các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm việc với các hiệp hội về các kiến nghị liên quan đến nội dung dự thảo nghị định.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT lưu ý các quy định của dự thảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công tác quản lý nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.
Trong khi đó, lên tiếng về các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ TN&MT cho biết, những ý kiến của một số doanh nghiệp là dựa trên bản dự thảo tại buổi làm việc ngày 30/8/2021, chưa phải là bản mới nhất đã tiếp thu, hoàn thiện.
Khoản đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế là nội dung được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí |
Theo đại diện Bộ TN&MT, dự thảo nghị định cũng đã giảm 18 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận.
Theo đó, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xả khí thải công nghiệp, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại sẽ được tích hợp vào 1 giấy phép môi trường.
“Như vậy, nếu như trước đây thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ thì theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp giấy phép môi trường,” đại diện Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Mặt khác, một số hiệp hội cho rằng trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin giấy phép môi trường là không có cơ sở.
Về vấn đề này, đại diện Bộ TN&MT cho biết, Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa...
Ngoài ra, dự thảo nghị định mới (cập nhật đến ngày 16/9/2021 và gửi Bộ Tư pháp thẩm định) đã tiếp thu nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp giấy phép môi trường, bỏ trình tự về thông báo việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường; đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 1 lần (theo dự thảo cũ thì thực hiện 2 lần khi tiếp nhận hồ sơ và khi thành lập đoàn kiểm tra).
Về ý kiến cho rằng phần lớn doanh nghiệp phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (khi thẩm định đánh giá tác động môi trường và khi thẩm định, cấp giấy phép môi trường) là không phản ánh đúng nội dung của luật cũng như quy định chi tiết nội dung này trong dự thảo nghị định.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Bảo vệ môi trường, trong trường hợp cần thiết cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mới tổ chức khảo sát thực tế khu vực dự kiến triển khai dự án. Đây không phải là hoạt động kiểm tra. Đối với việc cấp giấy phép môi trường, dự thảo nghị định cũng chỉ quy định trong trường hợp cần thiết với các dự án thuộc nhóm I, nhóm II, cơ quan cấp giấy mới thành lập đoàn kiểm tra.
Về quan trắc chất thải, theo đại diện Bộ TN&MT, dự thảo đã không quy định mức xả thải càng lớn thì phải thực hiện tần suất quan trắc định kỳ càng nhiều (6 hoặc 12 lần/năm); thay vào đó, quy định tần suất quan trắc thực hiện như quy định hiện hành nhưng chỉ áp dụng đối với nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 200m3/ngày đối với loại hình gây ô nhiễm và trên 500m3/ngày đối với loại hình khác) và nguồn khí thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 50.000m3/giờ…).
Đặc biệt, đối với các dự án, cơ sở thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong 3 năm liên tiếp với kết quả quan trắc chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và kết quả thanh tra, kiểm tra không vi phạm hành vi xả thải vượt QCVN thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời hạn của giấy phép môi trường.
Về đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục, dự thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid- 19 và chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31/12/2024.
Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này. Từ ngày 1/1/2025, dự án, cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với các thông số ô nhiễm đặc trưng của nguồn thải thì được miễn thực hiện quan trắc chất thải định kỳ. Kế thừa quy định hiện hành quy định mức lưu lượng xả nước thải từ 500m3/ngày trở lên đối với trường hợp thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và từ 1.000m3/ngày trở lên đối với các trường hợp còn lại.
Đặc biệt, theo lộ trình Chính phủ quy định và với đặc trưng riêng của các thiết bị xả, bụi khí thải, trước mắt yêu cầu các dự án, cơ sở có phát sinh bụi, khí thải với lưu lượng rất lớn (trên 100.000m3/giờ) thực hiện quan trắc tự động, liên tục; các trường hợp xả bụi, khí thải lớn (từ 50.000m3/giờ đến dưới 100.000m3/giờ) nếu thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, tự động liên tục thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ.
Nói về trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu, đại diện Bộ TN&MT cho rằng, các ý kiến cho rằng dự thảo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc áp dụng ngay ở mức 80-90% là phản ánh chưa đúng nội dung quy định này, có sự hiểu nhầm với tỷ lệ thu hồi tối thiểu của nguyên liệu, vật liệu trong bao bì, sản phẩm.
Theo đó, dự thảo nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. Việc xác định tỷ lệ tái chế cụ thể sẽ do Hội đồng EPR quốc gia thảo luận, quyết định trên cơ sở công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu, mục tiêu tái chế quốc gia và tình hình từng giai đoạn…
Theo công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu trong dự thảo thì cao nhất dự kiến là bao bì nhôm, chai PET ở mức 22,5% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 1,8%. Dự thảo cũng quy định các nguyên, vật liệu phải thu hồi được tối thiểu 50%, không phải là tỷ lệ tái chế bắt buộc như đã nêu.
Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, theo đại diện Bộ TN&MT, đây là nội dung được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
Cụ thể, Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; trường hợp không tự tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Như vậy, về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế đây, không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. Việc đóng khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tái chế liên quan đến các sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.
"Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng khoản tiền này, dự thảo quy định nhà sản xuất, nhập khẩu tham gia Hội đồng EPR quốc gia để quyết định và giám sát việc sử dụng khoản tiền này hiệu quả, đúng mục đích" đại diện Bộ TN&MT cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ TN&MT, thực tiễn hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và đều không coi đóng góp tài chính này là nguồn thu ngân sách nhà nước như thuế, phí. Đối với khoản đóng góp này, cơ quan nhà nước chỉ thực hiện giám sát và kiểm tra việc sử dụng để đảm bảo đúng mục đích là hỗ trợ cho hoạt động tái chế.