A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHĐCĐ OCB: Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 6,000 tỷ

Sáng ngày 28/04, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ và thay đổi địa chỉ trụ sở chính, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Trực tuyến 

Thảo luận:

Năm 2022 vừa qua là năm duy nhất không đạt kế hoạch

Cơ sở để đặt kế hoạch lợi nhuận 2023?

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc: Phải thừa nhận kết quả 2022 không đạt, trong quá trình cải tổ phát triển OCB từ giai đoạn 2012 đến nay, năm 2022 vừa qua là năm duy nhất không đạt kế hoạch.

Năm nay, Ban điều hành đã phân tích, đánh giá xây dựng kế hoạch 2023. Năm 2022 đặt kế hoạch đầu năm trong bối cảnh lạc quan, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực sau 2 năm COVID, tuy nhiên trong năm có nhiều diễn biến không như dự báo, chưa lường trước được. Năm 2023, đặt kế hoạch khiêm tốn hơn kế hoạch 2022.

Do đó, kế hoạch 2023 có sự thận trọng cao và dựa trên cơ sở thực tiễn. Hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2022. Hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ trong năm 2021 thu mức 30%, năm 2022 chiếm 25% trong tổng thu nhập. 1,500 tỷ đồng là mức thu nhập kỳ vọng trên mức kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Khi lãi suất liên ngân hàng tăng cao, khoản mục kinh doanh trái phiếu Chính phủ bị âm, cho nên hoạt động chính là tín dụng trong năm 2022 vẫn đem lại lợi nhuận, và dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là nền để xây dựng kế hoạch 2023.

Mức tăng trưởng lợi nhuận 2023 dựa trên hoạt động chính là hoạt động kinh doanh tín dụng và dịch vụ.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của OCB được tổ chức sáng ngày 28/04.

Gặp nhiều thách thức nhưng OCB vẫn tăng trưởng

Phát biểu đầu đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2022, thị trường tài chính trong nước và thế giới đứng trước nhiều biến số khó lường, những vấn đề như chiến tranh, áp lực tỷ giá, mặt bằng lãi suất tăng cao,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của ngành ngân hàng tại Việt Nam. Dù gặp nhiều thách thức nhưng bức tranh kinh doanh của OCB trong năm 2022 vẫn tăng trưởng.

Thu nhập lãi thuần của OCB trong năm 2022, tăng hơn 21% so với năm trước và đạt hơn 6,900 tỷ đồng. Thu nhập từ mảng dịch vụ cũng tăng hơn 29% mang về hơn 1,000 tỷ đồng, trong đó lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng hơn 45% đạt hơn 145 tỷ đồng.

Thu thuần phí của thẻ tăng 138% so với cùng kỳ, doanh số giao dịch thẻ tăng trưởng 83% so với năm 2021. Thu nhập từ quản lý tài sản cũng tăng 55% từ 94 tỷ đồng trong năm 2021 lên 145 tỷ đồng năm 2022.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt gần 194,000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ tín dụng thị trường 1 chiếm 63% trong cơ cấu tổng tài sản của OCB. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư trái phiếu và tài sản có khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Phần lớn danh mục tín dụng của OCB là cho vay khách hàng, chiếm tỷ trọng 97.6%, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 2.4%.

Tỷ trọng cho vay bán lẻ (mảng có biên lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển các mảng bán chéo) tăng từ 36% năm 2020 lên 40% trong năm 2022. Dư nợ bán lẻ của OCB đã tăng từ 32,100 tỷ đồng lên 49,500 tỷ đồng trong hai năm trở lại đây. Đặc biệt trong năm 2022, tăng trưởng mảng này đạt 30% trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp tăng chưa đầy 12%.

Trong cơ cấu huy động vốn ở thị trường 1, tiền gửi khách hàng là 102 nghìn tỷ đồng, tăng 3.4%, giấy tờ có giá là 32 nghìn tỷ đồng, tăng 41.5% chiếm 23%, vốn tài trợ và ủy thác đầu tư là 3.2 nghìn tỷ đồng. 

OCB cũng đưa NIM tăng từ 3.7% trong năm 2021 lên 3.9%. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đạt 75.6% vào cuối năm 2022.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6,000 tỷ đồng

OCB cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025.

OCB đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt 242,152 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 25% so với đầu năm. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173,087 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 tăng 20% lên 147,330 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6,000 tỷ đồng cho năm 2023, tăng 37% so với kết quả năm 2022.

OCB có hơn 7,037 tỷ đồng lợi nhuận để lại

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của OCB đạt hơn 4,389 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định hơn 2,983 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại năm 2022 của cổ đông là 2,943 tỷ đồng. Sau khi cộng 4,094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước, OCB có hơn 7,037 tỷ đồng lợi nhuận để lại.

Để phục vụ hoạt động kinh doanh, OCB sẽ sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ năm 2023.

Tăng vốn điều lệ 2023 lên 20,548 tỷ đồng

OCB cho biết với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.

OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 6,849 tỷ đồng. Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ.

Vốn điều lệ dự kiến được tăng từ 13,699 tỷ đồng lên 20,548 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với số vốn tăng thêm, OCB dự kiến mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay.

Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.

Nguồn: VietstockFinance

Thay đổi địa điểm trụ sở chính

Trụ sở chính của OCB hiện đang được đặt tại số 41 (tầng trệt, lửng và tầng 1, 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT nhận thấy tòa nhà The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TPHCM đáp ứng được yêu cầu của OCB về yêu cầu đặt trụ sở chính, với vị trí tòa nhà nằm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức - là khu vực quận trung tâm đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TPHCM.

Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ di dời trụ sở chính của OCB từ số 41 và 45 Lê Duẩn, quận 1 sang The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thời gian thực hiện di dời sau khi được chấp thuận của cơ quan Nhà nước.

Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025

ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua số lượng thành viên HĐQT OCB là 8 thành viên. Hiện nay, HĐQT đang khuyết 1 thành viên. Để phù hợp quy mô và nhu cầu về HĐQT, HĐQT trình cổ đông thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ 8 lên 9 thành viên.

Do đó, HĐQT sẽ bầu nhân sự bổ sung vào HĐQT với các ứng viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng.

...Tiếp tục cập nhật


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật