Doanh nghiệp ồ ạt thoái vốn đầu tư
Bước vào giai đoạn cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp có động thái thoái vốn ở những khoản đầu tư công ty con, công ty liên kết.
Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều biến động, việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành kế hoạch đề ra, việc thoái vốn các công ty liên quan cũng là một trong những cách giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình, giúp tái cấu trúc nguồn vốn, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tiềm năng.
Theo thống kê của người viết, có khoảng 30 thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp trên sàn được công bố trong quý 4/2023. Tổng giá trị các thương vụ ước tính gần 2.4 ngàn tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp bất động sản thoái vốn tại công ty dự án
Với những thông tin công khai và xét theo số tuyệt đối thì thương vụ CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) thoái vốn CTCP Đầu tư TAH, chủ đầu tư dự án B2CC4 khu đô thị Tây Hồ Tây có giá trị cao nhất. Theo BCTC quý 3/2023 của Taseco Land, giá trị đặt cọc mua cổ phần liên quan đến công ty con này tính đến 30/09/2023 xấp xỉ 710 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư TAH chỉ mới trở thành chủ đầu tư dự án B2CC4 khu đô thị Tây Hồ Tây chưa đầy một năm về trước, sau khi nhận chuyển nhượng từ CTCP Phát triển THT.
Trong chuỗi dài hành trình tái cấu trúc, cuối tháng 09/2023, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT) đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ hơn 12% vốn CTCP Du lịch Tân Phú, đơn vị phát triển dự án khu nghỉ dưỡng Emeralda Ninh Bình Resort sau hơn một thập kỷ nắm giữ.
NVT từng cho biết mục đích chuyển nhượng khoản vốn đầu tư dự án Emeralda Ninh Bình Resort là nhằm cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính.
Một doanh nghiệp trên sàn khác là CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) ngày 21/12/2023 cũng đã thông qua việc bán toàn bộ gần 9 triệu cp công ty con là CTCP Thương mại dịch vụ Du lịch C.T.C, tương đương 99.8% vốn điều lệ công ty con này.
Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày được thông qua, tức hạn cuối là 20/01/2024. VPH mong muốn có thể thu về ít nhất 180 tỷ đồng, bằng với giá gốc khoản đầu tư mà VPH đã đầu tư vào.
Cổ đông lớn công ty chứng khoán rút vốn
Bên cạnh bất động sản, lĩnh vực chứng khoán cũng có không ít thương vụ thoái vốn. Điển hình là cổ đông lớn nhất của CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) - CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn đăng ký thoái toàn bộ 32 triệu cp (tỷ lệ 19.42%) từ ngày 5 - 29/12/2023. Mục đích thoái vốn nhằm tăng vốn lưu động, ước tính giá trị thương vụ khoảng 278.4 tỷ đồng
Hai công ty chứng khoán khác cũng có cổ đông lớn thoái sạch vốn là CTCP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI) và CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS). Trong đó, SMBC Nikko Securities Inc. (Nhật Bản) bán ra gần 9 triệu cp PSI (14.9%) vào phiên 06/10, đối tác Nhật Bản chính thức rút khỏi danh sách cổ đông PSI.
Còn Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa đăng ký bán đấu giá toàn bộ 4 triệu cp SBBS (13.33%) đang nắm giữ với giá khởi điểm 10,200 đồng/cp. Thời gian đấu giá dự kiến vào ngày 28/12/2023. Ước tính theo giá khởi điểm, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa sẽ thu về gần 41 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) đã thoái toàn bộ vốn công ty con duy nhất Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (IPAAM) từ ngày 13/12/2023. Được biết, IPAAM có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp logistics – du lịch
Với ngành logistics cũng như du lịch cũng xuất hiện một số thương vụ. Đầu tiên là ông lớn Gemadept (HOSE: GMD) thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999,800 cp (tỷ lệ 99.98%) tại công ty con CTCP Cảng Nam Hải.
Cảng Nam Hải được đưa vào khai thác từ tháng 02/2009, là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng tại miền Bắc của GMD, giúp đẩy mạnh phát triển mạng lưới khai thác cảng ra thị trường phía Bắc Việt Nam.
Một công ty logistics khác là CTCP TCO Holdings (HOSE: TCO) cũng đã thoái hết vốn tại công ty con - CTCP Logistics Tasa Duyên Hải (99%) vào ngày 11/10/2023.
Trong khi đó, CTCP Logistics Vinalink (HOSE: VNL) đăng ký thoái toàn bộ 878,400 cp (27.89%) của CTCP Giao nhận Vận tải miền Trung (UPCoM: VMT) từ ngày 16/11-15/12/2023 nhưng kết thúc thời gian giao dịch, VNL đã không thể bán ra bất kỳ cổ phiếu VMT nào.
Ở mảng du lịch lữ hành, CTCP Du lịch Vietourist (UPCoM: VTD) quyết định thoái vốn đầu tư tại CTCP Lữ hành Vietourist khi đăng ký bán toàn bộ 980 ngàn cp, với giá không thấp hơn 18,000 đồng/cp. Theo đó, giá trị tối thiểu của thương vụ có thể gần 18 tỷ đồng. Thời gian dự kiến diễn ra trong tháng 12/2023.
Trước đó, VTD đổi tên doanh nghiệp này từ CTCP Kỹ thuật Công nghệ Vietech thành CTCP Lữ hành Vietourist như hiện nay vào tháng 04/2023 và chuyển hướng phát triển theo dạng đại lý du lịch.
Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) cũng đã thoái hết 3.4 triệu cp (10.18%) CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) vào ngày 13/10, giá trị ước tính gần 241 tỷ đồng. Như vậy, công ty chứng khoán này chính thức chia tay SGN sau 8 năm đầu tư khi SGN thực hiện IPO vào cuối 2014.
Doanh nghiệp phim – truyền hình tái cơ cấu
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí gấp rút tái cấu trúc những tháng cuối năm.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chuẩn bị chào bán cạnh tranh toàn bộ 840,910 cp, tương ứng 59.95% vốn tại CTCP Phim truyện I cho nhà đầu tư trong nước.
Toàn bộ số cổ phần này được gom lại thành một lô duy nhất và chào bán với giá khởi điểm gần 8.9 tỷ đồng, bước giá 1 triệu đồng/lô cổ phần.
CTCP Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab, UPCoM: CAB) đã chính thức rút khỏi CTCP Phát triển Thể thao VTVcab sau khi chuyển nhượng 100,200 cổ phần (tương ứng 50.1%) vào ngày 28/11/2023.
Những thương vụ thoái vốn đầu tư cuối năm 2023 của các doanh nghiệp trên sàn Nguồn: VietstockFinance |