Doanh nghiệp xi măng đồng loạt báo lỗ trong quý 3
Ngành xi măng vẫn đang tiếp tục gặp khó khi thị trường bất động sản, xây dựng chưa hồi phục. Bằng chứng cho thấy trong quý 3/2023, số lượng doanh nghiệp ngành này báo lỗ cao gấp đôi so với quý trước và nhiều kỷ lục không muốn có cũng được xác lập.
Nhiều kỷ lục không muốn có
Trong 12 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 3/2023, có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ, 1 doanh nghiệp giảm lãi và chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng.
Đứng đầu danh sách là Xi măng Bỉm Sơn (BCC) khi doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ gần 56 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 36 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 5 liên tiếp của BCC từ quý 3/2022. Đồng thời, quý 3/2023 cũng là quý Xi măng Bỉm Sơn có biên lãi gộp tệ nhất từ khi niêm yết trên HNX vào cuối năm 2006.
Lãi ròng của BCC từ năm 2021 đến nay | ||
Theo sau là Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) lỗ ròng gần 32 tỷ đồng trong quý 3, cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của doanh BTS tính từ quý 1/2014. Lý giải nguyên nhân, Xi măng VICEM Bút Sơn cho biết, do sản lượng tiêu thụ trong quý 3 giảm gần 95 ngàn tấn so với cùng kỳ; song song đó, các chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận của BTS sụt giảm.
Thêm một kỷ lục được xác lập bởi Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) khi doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 26 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của HOM kể từ khi niêm yết trên HNX năm 2009.
Doanh nghiệp này cho biết, do nhu cầu tiêu thụ giảm và lượng tồn bãi clinker đầu quý lớn, để tránh sản xuất tồn bãi gây suy giảm chất lượng sản phẩm, Xi măng Hoàng Mai đã phải dừng lò chủ động trong tháng 7 và giảm năng suất lò làm sản lượng clinker sản xuất trong quý 3, giảm 133 ngàn tấn so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, giá thu về bình quân xi măng nội địa quý 3 là 979 ngàn đồng/tấn, giảm 75 ngàn đồng/tấn so cùng kỳ, làm lợi nhuận giảm gần 23 tỷ đồng; giá bán xi măng xuất khẩu quý 3 bình quân giảm 5.5 USD/tấn, làm giảm gần 5 tỷ đồng. Giá thu về clinker cũng giảm 152 ngàn đồng/tấn so cùng kỳ, song song giá than cũng điều chỉnh giảm từ cuối tháng 6/2023.
Ông lớn trong ngành Xi măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) cũng có quý thứ 2 báo lỗ trong năm 2023, với khoản lỗ 10 tỷ đồng trong quý 3/2023 (quý 1/2023 HT1 báo lỗ 86 tỷ đồng).
Lãi ròng của HT1 từ quý 1/2021
KQKD quý 3/2023 của các doanh nghiệp Xi măng (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Nội bật trong vùng đỏ
Ngược dòng các doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh thị trường vẫn chưa khởi sắc, Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) có quý 3 kinh doanh vượt trội khi đạt lãi ròng hơn 39 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ.
Về kết quả ấn tượng trên, QNC cho biết đã tiết giảm và quản lý tốt chi phí đầu vào, tận dụng nguồn nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng như rác thải công nghiệp thông thường thay thế một phần nguyên liệu hóa thạch (than), sử dụng nguồn than tuyển (nguồn từ mỏ hiện có của Công ty) để phối trộn với than nhập khẩu, quản lý khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu đất, đá khai thác từ mỏ của Công ty... Ngoài ra, Công ty có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì bảo dưỡng bảo hành thiết bị đúng quy định, đảm bảo sản xuất luôn được ổn định.
Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý 3, lũy kế 9 tháng, QNC ghi nhận doanh thu thuần hơn 1,018 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%; trong khi lãi sau thuế gần 95 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. QNC cũng đã vượt kế hoạch 125% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm sau 9 tháng.
Tuy không tăng trưởng trong quý 3, nhưng Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH) cũng là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành khi báo lãi ròng gần 9 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần CLH đạt gần 460 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 30 tỷ đồng, giảm 26%. So với kế hoạch cả năm, CLH đã thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu và 66% chỉ tiêu lãi trước thuế sau 9 tháng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp Xi măng (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 09/2023 đạt hơn 2.28 triệu tấn với trị giá hơn 93.9 triệu USD, giảm 15.4% về lượng và giảm 19.1% về trị giá so với tháng 08/2023.
Tính hết quý 3, Việt Nam thu về từ ngành xi măng hơn 1.01 tỷ USD, giảm nhẹ gần 2% về sản lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt bình quân đạt 43 USD/tấn, tương đương với hơn 1 triệu đồng/tấn, giảm nhẹ 2 USD/tấn so với cùng kỳ.
Philippines là thị trường xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với hơn 6.17 triệu tấn, theo sau là thị trường Bangladesh nhập khẩu hơn 4.47 triệu tấn clinker và xi măng của Việt Nam.