A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EPS 2022: Doanh nghiệp người tăng bốc đầu, kẻ… rơi tự do

Thống kê từ VietstockFinance ghi nhận nhiều trường hợp bứt phá về chỉ số EPS bất chấp việc thị trường đã trải qua một năm nhiều bất ổn, gồm những khó khăn từ cả trong và ngoài nước. Ngược lại, nhiều cái tên lặng lẽ chứng kiến chỉ số giảm “kịch sàn”, thậm chí EPS chuyển về số âm vì thua lỗ.

2022 có thể nói là khoảng thời gian thị trường Việt Nam phải đối mặt với những đợt sóng lớn. Từ chuyện bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp vì thao túng giá chứng khoán, bất động sản đóng băng vì trái phiếu, cho đến những rủi ro địa chính trị toàn cầu gây tác động đến tình hình lạm phát, lãi suất trong và ngoài nước.

EPS (Earnings per share) là lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Trước diễn biến của thị trường, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng. Tuy vậy, theo thống kê từ VietstockFinance, đa số các doanh nghiệp trong top EPS cao nhất năm qua đều ghi nhận tăng trưởng, thậm chí là tăng mạnh tới vài chục lần.

Top 20 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2022

Trong số những cái tên thuộc top đầu, PRC, ABC, PAT, CLM, VAF, và RAL là những doanh nghiệp có EPS trên 20,000 đồng/cp.

Hiên ngang chiếm vị trí EPS cao nhất toàn thị trường là PRC (Logistics Portserco) với mức EPS 41,537 đồng/cp, tăng trưởng tới hơn 36 lần so với năm cũ. Trong đó, lãi sau thuế của PRC trong năm 2022 đạt gần 50 tỷ đồng, gấp 37 lần so với 2021. Nhưng lợi nhuận năm 2022 của PRC thực chất không đến từ hoạt động kinh doanh mà do khoản lợi nhuận khác từ việc bán tài sản của Công ty.

CTCP Truyền thông VMG (UPCoM: ABC) là cái tên đáng chú ý. Đứng thứ 2 trong nhóm có EPS cao nhất, ABC chuyển từ lỗ sang lãi với mức tăng trên thực tế còn ấn tượng hơn so với PRC khi chênh lệch tới 66,912 đồng/cp (năm 2021 lỗ 28,788 đồng/cp). Dẫu vậy, mức lãi này chủ yếu tới từ quý 4, sau khi ABC hoàn nhập dự phòng phải trả đã trích lập liên quan đến một số vụ kiện và bồi thường.

RAL (Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) là doanh nghiệp duy nhất của nhóm này ghi nhận EPS giảm dù có kết quả kinh doanh năm 2022 tích cực với doanh thu hơn 6.9 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng hơn 486 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 21% và 22% so với năm trước. Lý do khiến EPS của Doanh nghiệp sụt giảm là vì lượng cổ phiếu đã bị pha loãng, sau khi RAL phát hành thêm hơn 10.8 triệu cp vào tháng 03/2022.

Nhóm 20 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất 2022

Trong danh sách các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất thị trường, có 6 cái tên ghi nhận EPS sụt giảm, 2 doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi (trong đó có VIC), còn lại đều ghi nhận tăng trưởng. Đáng chú ý nhất là ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam) với mức EPS gấp 13 lần năm trước (2,865 đồng/cp). Trong năm qua, ACV cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã nhận được tác động tích cực sau khi thị trường quốc tế, mạng đường bay, sản lượng vận chuyển đều phục hồi, với riêng thị trường nội địa bắt đầu tăng trưởng mạnh từ cuối quý 1/2022. Công ty kết năm với mức lãi ròng hơn 7.1 ngàn tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp tăng “bốc đầu”

20 doanh nghiệp có EPS tăng mạnh nhất toàn thị trường năm 2022

Tăng mạnh mẽ là thế, PRC vẫn chưa phải những doanh nghiệp có EPS tăng trưởng cao nhất năm qua. Danh hiệu ấy thuộc về AAM (Thủy sản MeKong), với EPS tăng tới 65 lần so với năm trước, đạt 1,455 đồng/cp. Theo sau là SAS (SASCO) và VRC (Bất động sản và Đầu tư VRC) với mức lợi nhuận lần lượt 1,397 đồng và 339 đồng cho mỗi cổ phiếu, tương ứng gấp 60 lần và 56 lần so với 2021.

Về AAM, Doanh nghiệp vừa kết thúc năm 2022 với mức lãi sau thuế tăng trưởng “khủng”, đạt 16.9 tỷ đồng, gấp gần 75 lần năm 2021. Nguyên nhân do tình hình ở các thị trường tiêu thụ chính của Công ty đã ổn định do dịch bệnh được kiểm soát, giúp doanh thu AAM tăng trưởng vượt trội.

SASCO - doanh nghiệp mảng dịch vụ hàng không của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cũng vừa trải qua quý 4 rực rỡ với mức lãi ròng gấp 31 lần cùng kỳ (đạt hơn 89 tỷ đồng). Cả năm 2022, SASCO ghi nhận doanh thu thuần 1.4 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước. Lãi ròng ở mức 210 tỷ đồng, gấp hàng chục lần năm trước, nhưng vẫn chưa thể trở về mức trước dịch và chỉ tương đương hơn 53% lãi ròng năm 2019.

Còn với VRC, khoản lãi ròng năm 2022 gần 17 tỷ đồng (gấp 36 lần cùng kỳ) của doanh nghiệp bất động sản này chủ yếu nhờ tiền đền bù dự án 52G thu được trong quý 4.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng EPS “bốc đầu” tới hàng chục lần. Có thể kể đến như VAF (tăng gấp gần 30 lần), PVB (gần 20 lần), MNB (hơn 17 lần), TCT (hơn 16 lần)…

Và những cái tên… rơi tự do

Bức tranh thị trường 2022 cũng có những mảng màu bi đát, nơi gọi tên những doanh nghiệp “rơi tự do” về lợi tức trên mỗi cổ phần. Top 20 doanh nghiệp giảm sâu nhất, toàn bộ đều rơi lợi nhuận tới trên 96%, thậm chí lên tới 99.9%. Tính xa hơn, có ít nhất 35 doanh nghiệp rơi trên 90% EPS trong năm 2022.

20 doanh nghiệp có mức EPS “rơi” sâu nhất thị trường năm 2022

Không chỉ vậy, kết quả kinh doanh thua lỗ năm qua đã đẩy EPS của nhiều doanh nghiệp về số âm, dù năm trước có lời. Angimex (Xuất Nhập khẩu An Giang, HOSE: AGM) là một ví dụ với mức lỗ 7,718 đồng cho mỗi cổ phiếu. Trải qua 3 quý liên tiếp thua lỗ, AGM lỗ ròng cả năm 2022 tới hơn 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 45 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục từ khi AGM trở thành doanh nghiệp cổ phần hóa (năm 2008) và niêm yết trên sàn HOSE (cuối năm 2012) tới nay.

DLG (CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) lỗ ròng gần 500 tỷ đồng chỉ riêng trong quý 4, cả năm lỗ 897 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 17 tỷ đồng) - mức lỗ nhiều thứ 2 chỉ sau năm 2020. EPS cũng chuyển từ 56 đồng/cp về âm gần 3 ngàn đồng.


Tác giả: Hồng Đức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật