A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng trên sàn trong quý 3 giảm 35%

Ngành xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung từ thị trường bất động sản.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý 3 tốt hơn quý 2, với 25.5% doanh nghiệp nhận định hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, 39% doanh nghiệp nhận định hoạt động giữ mức ổn định và hơn 35% doanh nghiệp nhận định hoạt động khó khăn hơn.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, 119 doanh nghiệp xây dựng (trên sàn HOSE, HNX và UPCoM đã công bố BCTC quý 3/2023) đạt doanh thu thuần gần 38 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng gần 1,240 tỷ đồng, giảm 35%.

Nguồn: VietstockFinance

Nhiều doanh nghiệp vượt khó

Thống kê  cho thấy, các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong quý 3. Ấn tượng là Xây dựng DIC Holdings (HOSE: DC4) với lợi nhuận đạt 4 tỷ đồng, gấp 40 lần cùng kỳ.

DC4 cho biết, do trong kỳ Công ty tăng doanh thu từ việc nghiệm thu khối lượng xây lắp công trình khách sạn Hilton (Vũng Tàu) và công trình nhà xưởng PTSC. Song song đó, các chi phí bán hàng giảm nên lợi nhuận tăng.

Nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, CTCP Licogi 13 (HNX: LIG) lãi hơn 6 tỷ đồng, gấp 14 lần cùng kỳ.

Nguồn: VietstockFinance

Xét về giá trị tuyệt đối, dẫn đầu lợi nhuận ngành xây dựng quý 3 năm nay thuộc về Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE). Tuy vậy, đây là quý mà đơn vị này có lãi ròng giảm 34% so với cùng kỳ, do mảng điện gặp bất lợi.

REE cho biết, mức giảm trên chủ yếu do lợi nhuận của các thành viên thuộc nhóm thủy điện, như Thủy điện Thác Mơ (TMP), Thủy điện Thác Bà (TBC), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giảm mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mảng bất động sản cũng giảm 19% lợi nhuận, do các dự án bất động sản đang trong giai đoạn xây dựng, chưa đi vào kinh doanh và chưa thể mang lại lợi nhuận.

Xếp ngay sau là Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG) với khoản lãi ròng 162 tỷ đồng trong quý 3, giảm 15%.

Quý 3 cũng là quý mà Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) có lãi ròng cao nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE vào đầu năm 2022, đạt 101 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Nguồn: VietstockFinance

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực trong kết quả kinh doanh so với cùng kỳ khi chuyển từ lỗ sang lãi. Đáng chú ý là ông lớn CTD (đây là quý đầu tiên mà ông lớn này thay đổi niên độ tài chính kể từ khi niêm yết trên HOSE vào năm 2010). Theo đó, năm tài chính 2024 sẽ tính đầy đủ trên 12 tháng, từ ngày 01/07/2023 đến ngày 30/06/2024. Với lợi nhuận gần 67 tỷ đồng trong niên độ mới (quý 1/2024 tính từ 01/07 - 30/09/2023), tích cực hơn con số lỗ 4 tỷ của cùng kỳ (01/07 - 30/09/2022).

CTD cho biết, do Công ty đã trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro từ năm trước, làm giảm nhẹ tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu cũng tăng khiến lợi nhuận tăng.

Dù hoạt động kinh doanh chính đi lùi, nhưng nhờ lãi bán các khoản đầu tư, CTCP SCI (HNX: S99) lãi gần 47 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 11 tỷ đồng. CTCP SCI E&C (công ty con của S99) cũng hoàn nhập các khoản dự phòng bảo hành liên quan đến các dự án điện gió nên S99 lãi khác gần 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn

Thống kê cho thấy, 36/119 doanh nghiệp xây dựng lỗ trong quý 3. Trong đó, 12 doanh nghiệp từ lãi chuyển lỗ và 24 cái tên tiếp tục thua lỗ.

Ông lớn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) là doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong nhóm này khi lỗ ròng hơn 168 tỷ đồng. Qua đó, nâng lỗ lũy kế của HBC trong 9 tháng lên xấp xỉ 880 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 64 tỷ đồng).

Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UPCoM: VVN) tiếp tục quý thua lỗ thứ 3 trong năm nay, với gần 121 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tăng 21%, đạt gần 11 tỷ đồng; tuy nhiên, do chi phí quản lý và sửa chữa trạm thu phí tăng nên CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) vẫn lỗ hơn 24 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 7 lỗ liên tiếp của BOT kể từ quý 1/2022.

Nguồn: VietstockFinance

Dù kinh doanh không thua lỗ, kết quả đi lùi cũng không mấy vui vẻ gì cho các doanh nghiệp này.

Theo dữ liệu thống kê, có 20/119 doanh nghiệp xây dựng lãi giảm trong quý 3. Trong đó, Alphanam E&C (HNX: AME) là cái tên đáng chú ý khi giảm tới 86% lãi ròng, chỉ còn gần 500 triệu đồng. Mặc dù doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 112% so với cùng kỳ, lên 511 tỷ đồng. AME cho biết, do trong kỳ các chi phí lãi vay tăng cao khiến lợi nhuận giảm.

Tập đoàn COTANA (HNX: CSC) cũng sụt giảm tới 85% lãi ròng, chỉ còn gần 16 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Khoản phải thu đáng quan tâm

Phải thu ngắn hạn là các khoản nợ của khách hàng, đối tác đối với doanh nghiệp khi đã bàn giao hoặc đưa vào sử dụng dự án, hàng hóa... Khi các khoản mục này gia tăng và kéo dài nhiều năm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp. Đặc thù là doanh nghiệp xây dựng sẽ không thể tránh khỏi những công nợ từ khách hàng cho khoản này. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ các khoản phải thu chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản.

Nguồn: VietstockFinance

Đứng đầu là Tập đoàn Đầu tư KTT (HNX: KTT) có các khoản phải thu ngắn hạn 320 tỷ đồng, chiếm 86% tổng tài sản, tính đến cuối quý 3/2023. Theo sau là Đầu tư và Xây lắp Constrexim Số 8 (HNX: CX8) với 85%.

HBC có các khoản phải thu 8,857 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản; trong đó, phải thu của khách hàng ngắn hạn hơn 5,293 tỷ đồng, chiếm 60%.

Xét về giá trị, Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) có khoản phải thu ngắn hạn lớn nhất với 14,770 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản. VCG cũng có đến 7,853 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 26% tổng tài sản.

Chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (12%) trong tổng tài sản là REE và Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) có tỷ lệ 15%.

Nguồn: VietstockFinance

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật