A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát Đạt (PDR) có mối quan hệ sở hữu với Công ty Trường Phát Lộc hay không?

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt khẳng định không có quan hệ sở hữu hay điều hành đối với Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc.

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR) vừa có thông cáo báo chí khẳng định không có mối quan hệ sở hữu và điều hành tại Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc (TPL Shipping).

Ngược lại, TPL Shipping cũng không có mối quan hệ sở hữu và điều hành tại Phát Đạt. Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phát Đạt và gia đình cũng không sở hữu và tham gia điều hành tại TPL Shipping.

Theo Phát Đạt, trước đây, ông Nguyễn Văn Đạt đã giữ vai trò cố vấn Hội đồng quản trị tại TPL Shipping. Tuy nhiên, ông Đạt đã thôi giữ chức vụ này kể từ năm 2016. Theo công bố của TPL Shipping, ông Nguyễn Văn Tuấn (anh trai ông Nguyễn Văn Đạt) và bà Nguyễn Thị Diệu Hiền đều đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà mình nắm giữ tại doanh nghiệp cho các cổ đông khác vào năm 2019.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu 99,2% cổ phần của Công ty TPL Shipping. Theo giới truyền thông, bà Thảo từng là Kế toán trưởng của Phát Đạt trước đây.

Phát Đạt (PDR) có mối quan hệ sở hữu với Công ty Trường Phát Lộc hay không?
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR)

Trong thông cáo phát đi, Phát Đạt khẳng định công ty và ông Nguyễn Văn Đạt cùng gia đình không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu và điều hành nào với TPL Shipping.

Được biết, động thái của Phát Đạt được đưa ra sau khi trên mạng xã hội và một số trang thông tin đăng tải nội dung về việc TPL Shipping bị Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt do tham gia vào việc hỗ trợ buôn bán dầu mỏ từ khu vực và vùng lãnh thổ đã bị quốc gia này cấm vận.

Thậm chí, một số thông tin cũng đã nhắc đến việc ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phát Đạt là người có liên quan đến doanh nghiệp này. Do vậy, Phát Đạt đã có thông cáo báo chí phủ nhận các thông tin trên.

Về kết quả kinh doanh, trong quý II/2022, doanh thu thuần của Phát Đạt tăng gần 59% so với cùng kỳ, đạt trên 853 tỷ đồng, do diện tích chuyển nhượng được bàn giao thuộc khu chung cư cao tầng, phân khu số 4, nằm trong dự án khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định cao vượt trội so với quý II/2021.

Trong quý II vừa qua, chi phí tài chính của Phát Đạt tăng mạnh lên 154 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay và chi phí phát hành trái phiếu, cũng như ghi nhận thêm hơn 16 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá. Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của Phát Đạt đạt 408 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.479 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 688 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 37% so với cùng giai đoạn năm 2021.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.908 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty mới chỉ hoàn thành lần lượt 13,8% và 24% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đã đề ra.

Chiếu theo báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Phát Đạt đạt 23.518 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Về cơ cấu, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 2 lần lên 5.382 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu ngắn hạn khác đều có mức tăng mạnh.

Tổng nợ phải trả của Phát Đạt đến hết ngày 30/6/2022 tăng 18%, lên 14.721 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác với 5.810 tỷ đồng. Tổng nợ vay chiếm 4.840 tỷ đồng, tăng 41% so với hồi đầu năm, trong đó 1.497 tỷ đồng nằm ở vay ngắn hạn và 3.344 tỷ đồng vay dài hạn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan