Rắc rối với Samsung
Giá chip nhớ đang giảm mạnh kỷ lục. Và đó là tin không vui với Samsung - tập đoàn sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
Samsung là công ty sản xuất chip nhớ NAND và DRAM lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp chip nhớ đang trải qua thời kỳ sụt giảm nhu cầu chưa từng có. Năm 2022 đã ghi nhận 2 trong số những đợt sụt giảm hàng quý tồi tệ nhất.
Giá trung bình của DRAM - bộ nhớ được sử dụng cho điện thoại và PC - đã lao dốc 34,4% trong quý IV/2022. Còn ở quý trước đó, mức giảm là 31,4%.
NAND - sản phẩm chính được bán cho các trung tâm dữ liệu và khách hàng doanh nghiệp - cũng không khá hơn nhiều. Hai quý cuối năm 2022 đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2006 của sản phẩm này.
Giá chip nhớ giảm mạnh
Hầu hết nhà sản xuất chip nhớ đều cắt giảm sản xuất và trì hoãn kế hoạch mở rộng vào nửa cuối năm 2022 nhằm đối phó với tình trạng nền kinh tế toàn cầu suy yếu nhanh chóng.
Micron Technology Inc., SK Hynix Inc. và Kioxia Holdings Corp. đều đã công bố các biện pháp nhằm ổn định thị trường bằng cách khắc phục tình trạng dư cung.
Nhưng Samsung Electronics Co. - nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới - đến nay vẫn không thay đổi hướng đi. Gã khổng lồ công nghệ đang tích cực đầu tư, trong đó có chi hơn 30 tỷ USD để đẩy mạnh năng suất trong năm nay.
Samsung đang đặt cược vào đà tăng trưởng dài hạn của các sản phẩm chip nhớ, nhờ vào sự gia tăng của việc áp dụng những dịch vụ đám mây ngốn dung lượng lưu trữ, các phương tiện được kết nối và hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Trong báo cáo thu nhập gần nhất, công ty dự báo thị trường điện thoại thông minh sẽ thu hẹp trong năm nay, nhưng các sản phẩm AI như ChatGPT sẽ làm gia tăng nhu cầu chip nhớ.
Lợi nhuận suy yếu
Theo báo cáo quý IV/2022 của Samsung, lợi nhuận của tập đoàn giảm tới 69% xuống 4.300 tỷ won (3,49 tỷ USD) - mức thấp nhất 8 năm - do nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu.
Đáng chú ý, lợi nhuận mảng chip của tập đoàn cũng chỉ đạt khoảng 270 tỷ won (220 triệu USD) trong quý cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với 8.830 tỷ won (7,17 tỷ USD) của cùng kỳ năm 2021 và đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi thay đổi tiêu chuẩn kế toán năm 2011.
Trong thông cáo báo chí được đưa ra sau đó, Samsung thừa nhận "tình hình kinh doanh quý IV xấu đi nhiều vì kinh tế toàn cầu suy yếu".
Hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của Samsung, bao gồm NAND và DRAM, chiếm phần lớn lợi nhuận hoạt động của công ty. Do đó, bất cứ đòn giáng nào vào mảng chip nhớ sẽ ảnh hưởng nặng nề tới báo cáo tài chính.
Giá NAND và DRAM lao dốc trong quý IV/2022 bởi nhu cầu đối với các sản phẩm cuối cùng như máy tính xách tay sụt giảm. Những công ty sản xuất đồ điện tử cần ít chip hơn, dẫn tới nhu cầu mua mới đi xuống.
"Quy mô và tốc độ của đà suy yếu trong thị trường chip nhớ tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008", hãng nghiên cứu Macquarie bình luận.
Lợi nhuận của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc giảm mạnh trong quý cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Hãng nhận định đó là "sự kết hợp độc hại" giữa sự sụt giảm trong nhu cầu cuối cùng và tồn kho thành phần quá mức. "Điều này dẫn tới hàng tồn kho cao chưa từng thấy trong một thập kỷ", Macquarie lập luận.
Theo các nhà phân tích tại Macquarie và Daiwa, Samsung sẽ gặp khó trong nửa đầu năm nay vì sức ép từ giá chip nhớ. Nhưng ước tính của Refinitiv chỉ ra lợi nhuận có thể chạm đáy vào quý II rồi bật tăng.
Theo các nhà phân tích của Macquarie, sự sụt giảm trong giá chip nhớ sẽ "tạo cơ hội cho những chip nhớ hàng đầu trở lại mạnh mẽ hơn trong chu kỳ mới".