A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số doanh nghiệp phá sản ở EU tăng lên mức cao kỷ lục 

Số lượng doanh nghiệp phá sản hàng quí ở Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt lên mức cao nhất kể trong từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 2015. Các doanh nghiệp yếu kém sụp đổ nhanh chóng sau khi các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 kết thúc cùng lúc với tăng trưởng kinh tế trì trệ, giá năng lượng đắt đỏ, chi phí hoạt động tăng cao do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các cửa hàng đóng cửa ở một khu phố kinh doanh tại Barcelona, Tây Ban Nha. Lượng doanh nghiệp nộp đơn phá sản ở Tây Ban Nha đặc biệt tăng mạnh, tăng hơn gấp đôi trong nửa cuối năm ngoái. Getty Images

Theo dữ liệu mới công bố của Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), trong quí cuối cùng của năm ngoái, số lượng doanh nghiệp ở EU nộp đơn xin phá sản tăng 27% so quí trước đó, đánh dấu làn sóng phá sản hàng quí mạnh nhất từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2015. Lượng đơn xin phá sản tăng trong mọi lĩnh vực nhưng tốc độ phá sản tăng mạnh nhất thuộc về lĩnh vực kho bãi và vận tải cũng như dịch vụ lưu trú và thực phẩm, với mức tăng lần lượt 72% và 39 % so với quí trước.

Các nhà kinh tế cho biết sự thay đổi diễn ra sau hai năm số doanh nghiệp phá sản suy giảm trên khắp châu Âu. Điều này phản ánh tình trạng tồi tệ hơn đối với nhiều doanh nghiệp châu Âu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá năng lượng cao, tiền lương tăng.

Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Allianz của Đức cho biết: “Có rất nhiều công ty được hỗ trợ trong suốt năm 2020 và 2021 khi họ thậm chí được hoãn một số nghĩa vụ tài chính, chẳng hạn hoãn nộp các khoản phí bảo hiểm xã hội ở Pháp”.

Allianz dự báo số doanh nghiệp phá sản ở các nước Tây Âu sẽ tăng gần 20% trong năm nay. Subran nói: “Những ‘thiên thần gãy cánh’ này, tức những công ty hầu như mất năng lực quản lý, hiện đối mặt với ít sự hỗ trợ hơn, trong khi chi phí tài chính và tiền lương tăng lên. Vì vậy, họ không thể tự đứng vững”.

Sau khi các chính phủ trên khắp châu Âu đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho các công ty bị ảnh hưởng trong cơn suy thoái kinh tế của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, lượng đơn xin phá sản của doanh nghiệp giảm mạnh. Điều này làm dấy lên những chỉ trích cho rằng chính sách cứu trợ của nhà nước và lãi suất thấp thấp giúp các công ty “thây ma” tiếp tục sống. Nếu không có các khoản cứu trợ này, lợi nhuận của họ không đủ bù đắp cho chi phí lãi vay,

Khi chính sách cứu trợ của nhà nước đang bị thu hẹp dần, nhiều công ty yếu kém nhanh chóng sụp đổ. Tổng số doanh nghiệp EU nộp đơn xin phá sản trong nửa cuối năm ngoái tăng 35% so với nửa đầu năm, đưa tốc độ doanh nghiệp phá sản của năm 2022 tăng lên mức 16,5%.

Tại Pháp, lượng đơn xin phá sản của doanh nghiệp tăng gần 16% trong nửa cuối năm ngoái sau khi chính phủ chấm dứt nhiều biện pháp cứu trợ từ thời đại dịch Covid-19.

Lượng doanh nghiệp nộp đơn phá sản ở Tây Ban Nha đặc biệt tăng mạnh, tăng hơn gấp đôi trong nửa cuối năm ngoái nhờ những thay đổi đối với luật phá sản, này giúp các công ty dễ dàng cơ cấu lại khoản nợ của họ.

Theo hãng phân tích thị trường GraydonCreditsafe, tình hình doanh nghiệp phá sản ở Bỉ cũng đáng lo ngại. Báo cáo của GraydonCreditsafe cho biết trong năm 2022, trung bình cứ 151 doanh nghiệp ở Bỉ có 1 doanh nghiệp phá sản, tăng 44% so với năm 2021. Cuộc thăm dò gần đây của GraydonCreditsafe cho thấy 3/4 các nhà bán lẻ độc lập của Bỉ lo sợ sẽ phá sản trong những tháng tới. Họ nói rằng các khó khăn tài chính của họ do nhiều yếu tố, bao gồm hóa đơn năng lượng, tiền lương và lạm phát đều tăng cao. Luật của Bỉ quy định tiền lương của người lao động hàng năm phải điều chỉnh theo mức tăng của lạm phát để bảo đảm sức mua không suy giảm. Mức tăng lương sẽ tùy theo từng ngành nhưng ước tính sẽ có khoảng 1 triệu người lao động ở Bỉ được tự động tăng lương 11,6% kể từ đầu năm 2023 do lạm phát năm ngoái tăng cao.

Trong tháng 1, Thụy Điển ghi nhận số vụ phá sản doanh nghiệp tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 10 năm. Đáng chú ý cơn khủng hoảng bất động sản khiến 130 công ty xây dựng ở nước này đơn xin phá sản vào tháng trước.

James Watson, nhà kinh tế trưởng tại Liên đoàn doanh nghiệp châu Âu( BusinessEurope), nói: “Rõ ràng việc các chính phủ rút lại sự hỗ trợ được triển khai trong đại dịch đang gây tác động. Nhưng cũng có những bất ổn khác đang diễn ra khi môi trường kinh doanh càng khó khăn đối với nhiều công ty do lạm phát cao, tăng trưởng yếu và lãi suất tăng”.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha hy vọng luật phá sản mới của nước này, được thông qua vào tháng 9, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bán các đơn vị kinh doanh của họ . Luật phá sản trước đây trao cho các chủ nợ nhiều quyền lực hơn, khiến quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp vỡ nợ kéo dài vì các cuộc kiện tụng tại tòa án.

Một trong những công ty lớn đầu tiên của Tây Ban Nha thử nghiệm phá sản theo luật mới là Công ty thép Celsa, đang có kế hoạch tái cơ cấu tài chính đang thông qua thủ tục phá sản tại tòa án để giảm khoản nợ 2,8 tỉ euro.


Tác giả: Lê Linh (Theo Financial Times)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật