A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vạn Phát Hưng lãi lỗ ra sao khi rút hết vốn tại hai công ty con?

Ngày 21/12, HĐQT Vạn Phát Hưng quyết định rút toàn bộ phần vốn góp tại Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C, chiếm tỷ lệ 99.8% vốn điều lệ. Đây cũng là lần thoái vốn thứ hai từ đầu năm 2023 của Vạn Phát Hưng trong bối cảnh kết quả kinh doanh cuối quý 3 tiếp tục kém khả quan.

Dự án khu phức hợp La Casa của VPH. Nguồn: VPH

CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) sẽ chuyển nhượng gần 9 triệu cp phổ thông CTCP Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C không thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu.

HĐQT VPH ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật ông Võ Nguyễn Như Nguyện nhân danh Công ty toàn quyền làm việc, đàm phán và ký kết với đối tác thực hiện việc chuyển nhượng.

Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết này, đồng thời sau khi hoàn tất việc thoái vốn, VPH không còn là cổ đông của Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C sau 6 năm nắm giữ.

VPH bắt đầu hạch toán khoản đầu tư vào Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C từ năm 2017 sau khi hoàn tất nhận chuyển nhượng từ phía cổ đông công ty này hơn 2.4 triệu cp. Số tiền VPH chi ra hơn 114.2 tỷ đồng, tương đương 47,200 đồng/cp để sở hữu tỷ lệ 99.8%, qua đó trở thành công ty mẹ.

Trong đó, giá trị hợp lý tại ngày mua số cổ phần trên chỉ gần 19 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư của chủ sở hữu hơn 24.2 tỷ đồng sau khi khấu trừ đi 5.2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và do đó ghi nhận lợi thế thương mại tại Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C tới 95.3 tỷ đồng. Như vậy, VPH đầu tư vào công ty con này với mức giá gấp khoảng 5 lần giá trị sổ sách.

Thành lập từ năm 2002, Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C hiện có trụ sở tại quận 7, TPHCM với hoạt động chính kinh doanh bất động sản, cho thuê kho bãi và xây dựng dân dụng.

Hồi tháng 6, VPH thoái vốn CTCP Xây dựng Thuận Hưng, một công ty xây dựng các dự án dân dụng và công nghiệp, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng và hàng trang trí nội ngoại thất, sau 15 năm đầu tư.

Theo đó, HĐQT VPH quyết định thoái 1.6 triệu cp, tương ứng 40% vốn Xây dựng Thuận Hưng, với tổng giá trị chuyển nhượng 35 tỷ đồng, tương ứng 21,875 đồng/cp, qua đó không còn là cổ đông tại công ty này.

VPH bắt đầu hạch toán khoản đầu tư vào Xây dựng Thuận Hưng từ năm 2009 và duy trì tỷ lệ sở hữu 40% không đổi đến đầu năm 2023 với giá gốc ghi nhận 8 tỷ đồng.

Như vậy, Thương vụ Đầu tư vào Xây dựng Thuận Hưng mang về cho VPH gấp hơn 4 lần số vốn chi ra ban đầu sau gần 15 năm.

Liên tục quyết định thoái toàn bộ vốn hai công ty trong năm 2023 của VPH có lẽ đến từ kết quả kinh doanh “ảm đạm” sau khi khép lại quý 3.

Cụ thể, VPH báo lợi nhuận quý 3 âm 19.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 5 tỷ đồng. Phần lớn do doanh thu trong kỳ ghi nhận chỉ còn 2.7 tỷ đồng, giảm đến 95%, chưa kể giá vốn còn cao hơn doanh thu; đồng thời chi phí tài chính tăng đến 60% lên 14.3 tỷ đồng.

Công ty cho biết nguyên nhân chính là do không phát sinh doanh thu về hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong khi các chi phí khác vẫn tương đương so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng giai đoạn 2019 - 2023 của VPH

Quý 3 lỗ nặng khiến kết quả lãi ròng lũy kế 9 tháng của VPH “đảo dấu” từ dương sau soát xét bán niên sang thành âm đến 18.4 tỷ đồng. Doanh thu lũy kế cũng giảm tới 65%, còn hơn 46 tỷ đồng. Chi phí tài chính 52 tỷ đồng, đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Chưa hết, cuối quý 3, việc liên tục chi ra nhiều hơn thu vào khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VPH âm “nặng” 368 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 10 năm qua, đe dọa đến khả năng “hoạt động liên tục” của Công ty.

Đóng góp lớn từ hàng tồn kho âm 152.2 tỷ đồng và khoản phải thu âm 121.8 tỷ đồng. Chưa kể phải chi ra 57 tỷ đồng thuộc các khoản phải trả.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VPH giai đoạn 10 năm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật