A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VietCredit lỗ ròng hơn 136 tỷ đồng trong 9 tháng, tỷ lệ nợ xấu vượt 20%

Thu nhập lãi thuần giảm mạnh cộng thêm tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là nguyên nhân khiến Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, UPCoM: TIN) lỗ ròng hơn 62 tỷ đồng trong quý 3/2023. Đây đã là quý lỗ thứ 2 liên tiếp của VietCredit, nâng lỗ ròng 9 tháng lên hơn 136 tỷ đồng.

Kết thúc quý 3, thu nhập lãi thuần của TIN giảm 16% so với cùng kỳ, còn gần 273 tỷ đồng và lỗ thuần dịch vụ hơn 1 tỷ đồng. Điểm tích cực là lợi nhuận hoạt động khác tăng mạnh 42%, lên hơn 17 tỷ đồng.

Tổng cộng, TIN có hơn 289 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 17% so với cùng kỳ, giảm mạnh hơn so với mức giảm chi phí hoạt động, qua đó kéo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 20% xuống còn hơn 144 tỷ đồng.

Kỳ này, Công ty tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên gần 207 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ nên đành chịu lỗ ròng hơn 62 tỷ đồng.

Theo giải trình, TIN cho biết nguyên nhân tăng chi phí trích lập dự phòng do ảnh hưởng việc phân loại nợ kéo theo từ các tổ chức tín dụng khác sau khi cập nhật CIC. Mặc dù đa số khách hàng vẫn trả nợ cho VietCredit nhưng Công ty phải tuân thủ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định của NHNN.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TIN lỗ ròng hơn 136 tỷ đồng. Nguyên nhân là thu nhập lãi tiền gửi và thu nhập lãi cho vay khách hàng lần lượt giảm 81% và 10% so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi tiền gửi và chi phí lãi tiền vay lần lượt gấp 3.5 lần và 3.6 lần cùng kỳ. Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 19% lên hơn 604 tỷ đồng.

Năm 2023, TIN đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 107 tỷ đồng, tăng hơn 31 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022, tương đương tăng 41%. Với mức lỗ hơn 136 tỷ đồng sau 9 tháng, e rằng TIN khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Tính đến cuối quý 3/2023, tổng tài sản của TIN đạt hơn 6,472 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 8%, còn gần 3,826 tỷ đồng.

Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong nước) và phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi) lần lượt giảm 20% và 31% so với đầu năm, xuống còn 336 tỷ đồng và 2,534 tỷ đồng.

Nợ xấu của TIN tăng mạnh 65% so với đầu năm lên hơn 868 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 28% lên 298 tỷ đồng và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 2.3 lần, lên gần 538 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng giảm trong khi nợ xấu tăng cao khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 11.88% lên 20.45%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 53.3% xuống còn 48.3%.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật