A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Máu thịt” với đoàn viên, người lao động

10 gương mặt nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ IV tuy khác nhau về tuổi đời, vị trí công tác, thời gian gắn bó với tổ chức Công đoàn, về lĩnh vực, địa bàn hoạt động nhưng đều có một điểm chung, đó là sự gắn bó “máu thịt” với đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ).

Dù non trẻ nhất trong hệ thống các giải thưởng của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhưng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh, ra đời từ năm 2019 là giải thưởng cao quý, gắn liền với tên nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam giai đoạn 1977-1980.

Giải thưởng Nguyễn Văn Linh ra đời nhằm ghi nhận, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động công đoàn”, dĩ nhiên không dành cho số đông đại trà. Mà mỗi năm chỉ chọn 10 người trên cơ sở phân loại, thẩm định, đánh giá thành tích của hàng chục các cá nhân (năm nay là 55 cá nhân) được cơ sở đề cử.

Nên được chạm tay đến giải thưởng là một niềm mơ ước của cán bộ công đoàn. Hay nói như bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - một trong 10 người được nhận giải thưởng tại lễ trao tặng, rằng: “Bất kỳ cán bộ công đoàn nào nhận được giải thưởng cao quý này của tổ chức Công đoàn đều cảm thấy rất vinh dự, tự hào”.

Mỗi cán bộ được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm nay hay các năm trước đều có một điểm chung, đó là sự gắn bó “máu thịt” với ĐVNLĐ, được đồng nghiệp và NLĐ tin yêu, lãnh đạo các cấp tin cậy, ủng hộ.

Sự “máu thịt” không chỉ thể hiện ở tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động công đoàn mà còn ở khía cạnh không ngừng sáng tạo, đổi mới để hoạt động công đoàn thiết thực hơn.

Ví như trong 10 cán bộ nhận giải thưởng năm nay, có nhiều người trong 2 năm đã có tới 5-6 sáng kiến đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, chăm lo, đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích cho NLĐ.

Họ thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, đã ghi dấu trong lòng ĐVNLĐ nói riêng và người dân, lãnh đạo các cấp nói chung hình ảnh người cán bộ công đoàn bản lĩnh, gương mẫu, tận tụy… Góp phần đưa tổ chức Công đoàn đến gần hơn với ĐV, thu hút nhiều hơn NLĐ vào tổ chức của mình.

Để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ĐVNLĐ của mình ngày hôm nay luôn hiệu quả hơn ngày hôm qua, tổ chức công đoàn các cấp không chỉ có ban hành các chính sách tốt mà còn kèm theo đó là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tốt, có tâm, có tầm, có sự gắn bó “máu thịt” thật sự với đời sống, tâm tư, nguyện vọng… của từng ĐVNLĐ.

10 cán bộ công đoàn chạm tay đến Giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm nay, chính là 10 tấm gương soi chiếu, để NLĐ cảm thấy vững tin hơn khi ở và tìm đến với tổ chức Công đoàn!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan