Để lao động xuất khẩu không bị lừa đảo
Đắk Lắk - Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị người dân trên địa bàn tìm hiểu kỹ các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động để tìm kiếm thị trường việc làm phù hợp, xuất ngoại với giá hợp lý, tránh để bị lừa đảo.
Lo ngại rủi ro khi xuất ngoại
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk: Trong 4 tháng cuối năm 2022, có 41 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 141 lao động xuất cảnh, trong đó thị trường Nhật Bản là 31 lao động.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 30.000 người. Trong đó, việc làm trong nước là 28.500 người và xuất khẩu lao động khoảng 1.500 người.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận: Nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân tại địa phương là khá lớn và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp môi giới khai thác.
Tuy vậy, trong năm 2022, có nhiều doanh nghiệp môi giới khi về tận địa phương để tuyển dụng không tuân thủ các quy định theo yêu cầu theo văn bản chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Một vài đơn vị môi giới xuất khẩu lao động với giá rất cao, gấp đôi mức thông thường.
Anh Nguyễn Văn Dũng (huyện Krông Pắk) cho biết: "Tôi đang có dự tính xuất khẩu lao động sang làm việc ở thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, khi tham khảo mức giá đưa ra của nhiều công ty môi giới thì chênh lệch nhau quá lớn. Một số đơn vị đưa ra mức giá 150 triệu đồng nhưng lại có doanh nghiệp yêu cầu lên đến 300 triệu đồng, không biết đâu mà lần.
Tôi chỉ muốn xuất hành được thuận lợi, khỏi mất tiền oan, lao động xứ người kiếm tiền vất vả, gửi về nhà chẳng được nhiều nhưng phí tốn quá thì xót lắm".
Được biết, nhiều doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động đã tự tìm về địa bàn các huyện Buôn Đôn, Krông Bông...của tỉnh Đắk Lắk liên hệ với người dân (không thông qua chính quyền địa phương - PV) để tư vấn cho bà con đi làm ở các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Mức phí các doanh nghiệp này đưa ra dành cho mỗi người đi xuất khẩu lao động lên đến 220-250 triệu đồng.
Trong khi đó, mức giá sàn hiện nay, nếu người lao động đến liên hệ với cơ quan có thẩm quyền nhờ tư vấn, chọn doanh nghiệp uy tín thì chỉ có hơn 100 triệu đồng/
Siết chặt kiểm tra, tuyên truyền cho người dân
Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tuyên truyền những doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động có uy tín để người lao động biết. Qua đó, để người dân cần liên hệ, nắm được thông tin, giá cả hợp lý để lựa chọn.
Nếu phát hiện những doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động không đảm bảo chất lượng, thiếu giấy phép, có hình lừa đảo tài sản của người dân thì phòng sẽ thông tin cho lực lượng công an để cùng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động".
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - thông tin thêm, đơn vị đã yêu cầu phía Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh chủ động thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn phải có uy tín, giấy phép đầy đủ và cần phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, điểm tư vấn. Những công ty môi giới phải cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động một cách kịp thời, trung thực đến người lao động biết.
Ngoài ra, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, thị xã, thành phố cần nhận tăng cường hoạt động đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn; tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu người học nghề để có phương án, xây dựng kế hoạch đào tạo; khai thác, sử dụng trang thiết bị tối ưu nhất nhằm tránh tình trạng “đắp chiếu” gây lãng phí.