Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động
Nhiều công ty tại các thành phố lớn đang đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm, đặc biệt là ngành may mặc. Thế nhưng, dù xoay xở nhiều cách, doanh nghiệp vẫn khó tìm đủ lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Thiếu và cạnh tranh lao động gay gắt
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, vấn đề nan giải mà đa số các nhà máy trực thuộc tập đoàn đang phải đối mặt đó là thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt. Theo ông, việc khó tuyển dụng lao động đã và đang trở nên đáng ngại khi tỉ lệ lao động nghỉ việc trong thời gian qua tại một số đơn vị trực thuộc tập đoàn đã ngang bằng với cả năm 2023 và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng.
Để giải quyết khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động, ông Hiếu cho rằng - cần có những nghiên cứu, phân tích chuyên sâu hơn để xác định nguyên nhân chính; khảo sát mức độ hài lòng của người lao động tại doanh nghiệp, để có thể có những giải pháp trọng tâm, phù hợp hơn trong việc giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, cũng như thu hút được nguồn lao động mới từ bên ngoài.
Bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp cần triển khai các phương án tận dụng tối đa nguồn lực hiện có; tối ưu hóa mô hình quản trị, chức năng nhiệm vụ các phòng ban, hoàn thiện hệ thống khung năng lực, mô tả công việc để định biên lao động một cách chính xác nhất...
CEO Vinatex cho biết thêm, cũng do vấn đề thiếu lao động, các đơn vị khó mở rộng sản xuất nên hiện nay, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án để dịch chuyển lên các khu vực sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Doanh nghiệp cần chủ động phát triển về đầu chuỗi cung ứng - khâu thiết kế (khâu phân phối cũng mang lại hiệu quả cao nhưng rất khó phát triển trong giai đoạn này do cần đầu tư mạng lưới phân phối rộng và nhân lực có năng lực thị trường tốt).
Cần cải thiện thu nhập và chính sách tiền lương cho người lao động
Nhu cầu sản xuất tăng cao, Công ty TNHH May Mặc Bowker Việt Nam đang tích cực tuyển dụng thêm 300 công nhân may. Công ty sử dụng nhiều kênh thông tin để tiếp cận ứng viên, bao gồm các nền tảng mạng xã hội và thông qua sự giới thiệu từ chính công nhân hiện tại. Đặc biệt, công ty này còn quyết định làm điều chưa từng, đó là thưởng lương tháng 13 cho những lao động vào từ tháng 8.
“Thông thường, lương tháng 13 được tính dựa trên số tháng làm việc trong năm, thế nhưng hiện doanh nghiệp sẵn sàng ưu đãi để công nhân mới gia nhập vẫn có thể nhận đủ khoản thưởng này”, đại diện công ty nói và cho biết, với công nhân đã có tay nghề, công ty áp dụng mức thưởng gia nhập dựa trên bậc tay nghề. Tuy nhiên, bất chấp những chính sách thu hút lao động, công ty trên vẫn gặp khó trong việc lấp đầy các dây chuyền.
Ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc - cho biết, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp thất bại trong việc mở rộng sản xuất và tuyển dụng lao động dù công ty đã cam kết đảm bảo tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (trong đó 25% thu nhập đến từ việc tăng ca). Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng ở nhà máy rất dồi dào. Công ty dự định mở thêm 2 chuyền nữa nhưng phải hủy bỏ kế hoạch vì không tuyển được lao động. Một số lao động cũ đã nghỉ trước đó, công ty gọi điện mời đi làm trở lại nhưng hầu hết lắc đầu, muốn ở nhà để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM: “Việc cải thiện thu nhập và chính sách tiền lương là rất quan trọng. Doanh nghiệp nên hỗ trợ thêm tiền tăng ca, thưởng hàng tháng và một số chi phí khác cho người lao động. Đồng thời, cần cố gắng không tăng ca quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo thu nhập bằng cách khuyến khích người lao động làm việc năng suất cao hơn”, ông Hồng đề xuất.