A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạn chế tai nạn lao động từ ý thức của người công nhân

Tổ chức Công đoàn TP Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động tới các đoàn viên, NLĐ, NSDLĐ trên địa bàn với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm hạn chế tối đa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.

Hạn chế tai nạn lao động từ ý thức của người công nhân

Bàn tay phải bị tai nạn lao động, khiến anh Thiện gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Ảnh: Phương Ngân

Bị tai nạn lao động do lơ là, chủ quan 

Trưa 18.4, PV Lao Động tìm đến phòng trọ gia đình anh Huỳnh Phúc Thiện (47 tuổi) tại một con hẻm trên đường An Bình, Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Anh Thiện là nạn nhân trong một vụ tai nạn lao động. Căn phòng trọ chưa đầy 10 m2 ở lầu 1 là nơi sinh sống của gia đình anh Thiện cùng vợ và con gái đang học lớp 10. Diện tích nhỏ nên căn phòng chỉ để vừa chiếc nệm và một lối đi nhỏ, vật dụng chất đầy đến trần nhà, không có nhà vệ sinh, nơi phơi đồ.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Thiện kể, trước kia anh làm công nhân (CN) ở một công ty in tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Năm 2013, trong quá trình sản xuất, bàn tay phải của anh bị máy đè dập, sau thời gian dài điều trị, đi giám định tỉ lệ thương tật 38%. Trước khi bị tai nạn lao động, anh Thiện từng bị tai nạn giao thông, khiến chân của anh bị yếu đi. Cộng với thương tật ở tay do tai nạn lao động (TNLĐ) khiến sức khỏe của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không làm được việc nặng, sinh hoạt khó khăn.

Từ người trụ cột chính trong gia đình, sau TNLĐ, gánh nặng gia đình đè lên vai người vợ của anh, mọi chi phí đều trông chờ vào thu nhập từ sạp hoa ở chợ của vợ anh. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, anh Thiện xin làm bảo vệ, nhưng sức khỏe yếu nên anh cũng không làm được bao lâu. Tai họa lại tiếp tục đổ xuống gia đình, khi mới đây, vợ anh lại phát hiện bị bệnh ung thư phải mổ và hóa trị liên tục. Căn bệnh quái ác đã cướp đi sức khỏe của vợ anh, nguồn thu nhập duy nhất cũng bị mất. Hiện anh cùng vợ và con gái phải sống nhờ vào số tiền trợ cấp thương tật chưa đầy 1 triệu đồng/tháng và sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm.

May mắn hơn anh Thiện, anh Trần Kim Tòng, CN Công ty TNHH SX TM Hồng Thanh (chuyên sản xuất các phụ kiện ngành tủ ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh) cũng bị TNLĐ và bị suy giảm khả năng lao động 50%. Anh Tòng kể, trước đây anh là nhân viên văn phòng của công ty, trong một lần xuống xưởng, anh thò tay vào máy đang chạy lấy một sản phẩm ra xem, không may bị kẹt tay vào máy, dẫn đến mất nửa bàn tay phải.  May mắn cho anh, sau thời gian điều trị, anh được công ty bố trí công việc khác với mức thu nhập hiện nay 7 triệu đồng/tháng.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Tòng chia sẻ: “Đã vào nhà máy thì phải tuân thủ triệt để nội quy lao động và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Trong lúc làm việc thì không được lơ là, đặc biệt không được chủ quan mình có thể nhanh hơn máy. Vì lơ là, chủ quan là có thể bị TNLĐ, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của mình, cuộc sống của gia đình cũng như ảnh hưởng đến doanh nghiệp”.

Quan tâm, hỗ trợ người bị tai nạn lao động

Trường hợp anh Thiện, anh Tòng chỉ là những ví dụ tiêu biểu của những CN bị TNLĐ và đang được tổ chức CĐ quan tâm chăm lo, tặng quà hàng năm vào dịp lễ, tết hay tháng công nhân, tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh - cho biết, hàng năm tổ chức CĐ TP Hồ Chí Minh vẫn tổ chức các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho các đoàn viên, NLĐ bị TNLĐ. Tùy mức độ suy giảm khả năng lao động khác nhau mà mức chăm lo khác nhau. Nếu bị suy giảm từ 51% trở lên thì LĐLĐ TP Hồ Chí Minh sẽ chăm lo tặng quà ở mức 1 triệu đồng/lần; nếu suy giảm từ 31% đến 50%, thì LĐLĐ các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ chăm lo ít nhất ở mức 500.000 đồng/lần và có thể hơn, có thêm quà tặng tùy điều kiện vận động.

Ngoài các đối tượng lao động trong khu vực kết cấu, tổ chức Công đoàn thành phố cũng tăng cường tuyên truyền cho đoàn viên, NLĐ ở khu vực phi kết cấu thông qua các nghiệp đoàn hay tại các công trường xây dựng. LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cũng mời các chuyên gia phổ biến các quy định cho hơn 100 an toàn, vệ sinh viên đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp để nâng cao kiến thức cho đội ngũ này. Ngoài ra, mỗi quý cũng tổ chức sinh hoạt một chuyên đề gắn với chủ đề của năm.

“Đối với NSDLĐ, tổ chức Công đoàn cũng sẽ nhấn mạnh đến quy định phải bố trí, sắp xếp công việc phù hợp cho NLĐ nếu chẳng may bị TNLĐ. Đây không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là trách nhiệm xã hội, tình cảm của NSDLĐ với NLĐ đã cống hiến cho doanh nghiệp, đơn vị của mình” - ông Tâm nhấn mạnh.

7.718 vụ tai nạn lao động, làm 754 người chết, 1.647 người bị thương trong năm 2022

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022 cả nước xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 1.214 vụ so với năm 2021 (tương ứng tăng 18,66%), làm 7.923 người bị nạn, trong đó có 754 người chết, 1.647 người bị thương.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người thuộc khu vực có quan hệ lao động trong năm 2022, cho thấy: Loại hình công ty cổ phần chiếm 38,25% số vụ TNLĐ chết người và 38,95% số người chết; loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 32,35% số vụ chết người và 32,61% số người chết; loại hình doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 14,21% số vụ chết người và 14,09% số người chết; loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 5,74% số vụ và 5,22,% số người chết...

Có một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết người và bị thương nhiều người tại các địa phương như: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Thuận. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, điện, dịch vụ, khai thác khoáng sản…

Các địa phương đã báo cáo 9 vụ tai nạn nghiêm trọng, đề nghị khởi tố 22 vụ và 19 vụ đã có quyết định khởi tố trong năm 2022. Hoàng Quang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan