Hụt hẫng vì lương hưu quá thấp
Muốn giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh lâu dài thì giải pháp khả thi nhất là cải thiện chế độ hưu trí
Từng hy vọng có thể sống thảnh thơi khi về già vì có hơn 25 năm đóng BHXH nhưng khi nhận được tháng lương hưu đầu tiên vào cuối năm 2022, bà Đinh Thị Thanh Vân (SN 1967), công nhân (CN) Công ty TNHH May thêu Hà Giang, vô cùng hụt hẫng. Với mức lương hưu chỉ 1,7 triệu đồng/tháng, bà buộc phải tiếp tục làm việc để có thu nhập.
Thấp thỏm tuổi già
Xác định làm việc tới lúc nghỉ hưu nên suốt quá trình làm việc, bà Vân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rút BHXH một lần. Vì vậy, ở thời điểm nghỉ hưu cuối năm 2022, bà đã đóng được 25 năm 8 tháng. Những tưởng với số năm đóng ấy cùng với mức lương đóng BHXH trước khi nghỉ hưu trên 6 triệu đồng/tháng thì lương hưu của mình cũng được từ 2 -3 triệu đồng/tháng, nên khi nhận chưa đến 2 triệu đồng lương hưu, bà Vân rất sốc.
Bà không biết mình sẽ sống ra sao với khoản lương ít ỏi ấy. Dù không phải lo cho con cái nhưng bà vẫn còn cha mẹ già ở quê. Thông cảm với hoàn cảnh của bà, công ty đã tạo điều kiện để bà được tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, bao nhiêu năm làm công nhân may, mắt bà đã mờ, tay chân không còn lanh lẹ như trước nên năng suất không cao, chỉ tạm đủ sống. Hiện tại, lương hưu của bà được nâng lên 2 triệu đồng/tháng sau khi được điều chỉnh từ tháng 8-2023.
"Không thể phủ nhận ưu điểm của chế độ hưu trí là ngoài lương hưu còn có BHYT trọn đời và nhiều chính sách khác. Song điều khiến tôi hụt hẫng là dù có số năm đóng BHXH lâu hơn nhiều đồng nghiệp nhưng lương hưu của tôi lại thấp hơn những người chỉ đóng 20, 22 năm do những năm đầu, mức lương thấp nên đóng BHXH cũng thấp" - bà Vân bày tỏ.
Bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu Hà Giang, cho biết tại công ty, nhiều CN chọn làm việc tới lúc nghỉ hưu nhưng lương hưu chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng/người/tháng, không đủ sống. Nhiều CN sau khi nghỉ hưu vẫn quay lại nhà máy làm việc. Nguyên nhân một phần là mức trượt giá thực tế cao hơn rất nhiều so với hệ số trượt giá để tính lương hưu. Bà nêu ví dụ, năm 1998, NLĐ đóng BHXH trên mức lương 200.000 đồng, thời điểm đó với mức thu nhập vài trăm ngàn đồng, họ vẫn đủ sống.
Sau 25 năm, lương tối thiểu đóng BHXH bắt buộc (vùng I) là 4,68 triệu đồng, gấp 23 lần, trong khi hệ số trượt giá để tính lương hưu tương ứng với năm 1998 là 3,8. "Hệ số trượt giá thấp khiến cho lương hưu của những người tham gia BHXH từ trước năm 2000 thấp hơn so với những người tham gia sau dù tiền lương làm căn cứ đóng cũng ở mức tối thiểu tại từng thời điểm" - bà Thủy nói.
Chế độ hưu trí chưa hấp dẫn
Gần 25 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty TNHH L.T (quận Bình Tân) hiện đang sử dụng khoảng 2.700 CN. Một cán bộ Công đoàn của công ty cho biết trong ngần ấy năm, chỉ có 4 nữ CN được nghỉ hưu khi đủ tuổi quy định và 3 người nghỉ hưu trước tuổi. Những trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi đều đóng BHXH vượt mức tối đa (trên 30 năm) nhưng lương hưu nhận được chưa tới 3 triệu đồng/tháng.
Thực tế này cộng với tình trạng việc làm không bền vững khiến NLĐ không mặn mà với chế độ hưu trí nên quyết định rút BHXH một lần. Theo cán bộ Công đoàn công ty, gốc vấn đề là ở lương hưu. Khi lương hưu hấp dẫn và NLĐ thấy có lợi hơn thì chắc chắn họ sẽ không chọn rút BHXH một lần.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng khi sửa đổi Luật BHXH, vì cân nhắc bài toán thu chi nhằm bảo đảm hoạt động lâu dài của Quỹ BHXH nên các giải pháp đưa ra đều đang hướng đến kéo dài độ tuổi lao động, tăng thu, giảm chi, kéo theo giảm mức lương hưu của NLĐ. Cụ thể, từ năm 2018, số năm đóng BHXH để hưởng mức hưu tối đa là 75% của NLĐ đã được điều chỉnh từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với nam.
Quy định này đang kéo giảm mức lương hưu, làm giảm động lực thu hút NLĐ ở lại với hệ thống an sinh xã hội. Do đó, bà Thúy đề xuất nghiên cứu tăng mức lương hưu để thu hút NLĐ ở lại hệ thống an sinh. Theo đó, cứ mỗi năm đóng BHXH, mức hưởng lương hưu của NLĐ được tính theo tỉ lệ 2,3%, tối đa không quá 79,5%.
ThS Hoàng Thị Minh Tâm, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng cần cân nhắc đến việc chi trả chế độ lương hưu sao cho khoảng cách lương hưu mà NLĐ nhận được phải đáp ứng nhu cầu thực tế của họ. Nghĩa là nếu hạ số năm đóng tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu (từ 20 năm xuống còn 15 năm) cũng cần bảo đảm tính thỏa đáng trong mức hưởng cơ bản.
Bên cạnh đó, cần lưu ý gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ trong chế độ hưu trí, nhất là trong trường hợp NLĐ đóng BHXH thời gian dài nhưng mới hưởng lương hưu đã mất, ngược lại, trường hợp đóng ít, thời gian ngắn lại hưởng lương hưu dài, điều này chưa hợp lý. Do vậy, cần có thêm chế độ hỗ trợ đối với NLĐ đóng BHXH lâu năm.
"Để thu hút NLĐ tham gia BHXH lâu dài, Ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung các chính sách an sinh như dưỡng lão, hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo dành cho nhóm lao động tham gia suốt quá trình đóng BHXH..." - bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đề xuất. |