A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh lên tiếng trước tình trạng tái diễn nợ lương

Lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam xác nhận đã có quyết định chi trả tiền nợ lương tháng 2 và tháng 3/2022 cho cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

 

Nhiều y, bác sĩ tập trung chờ đợi cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: PV.

Nhiều y, bác sĩ tập trung chờ đợi cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: PV.

Chiều tối nay 21/3/2022, hơn 50 người trong tổng số 154 y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương đã tiếp tục xuống đường, tập trung trước cổng bệnh viện kêu cứu. Nguyên nhân là do tình trạng nợ lương tái diễn tại bệnh viện này và cán bộ, y, bác sĩ muốn bệnh viện giải quyết dứt điểm vấn đề nợ lương.

"Đến thời điển hiện tại, gần 160 cán bộ, y, bác sĩ tiếp tục bị nợ lương tháng 2 và tháng 3/2022. Năm 2021 chúng tôi bị nợ 50% lương nhưng sang năm 2022, tình hình còn tội tệ hơn thế, khi chúng tôi còn không nhận được một đồng lương nào", bà Lê Mai Ánh, Tổ trưởng Tổ Công đoàn 2, Bệnh viện Tuệ Tĩnh nói. 

Nhiều cán bộ, y, bác sĩ lo lắng vì tình trạng nợ lương tiếp diễn. Ảnh: PV.

Nhiều cán bộ, y, bác sĩ lo lắng vì tình trạng nợ lương tiếp diễn. Ảnh: PV.

Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của các nhân viên y tế. Việc nợ lương tái diễn khiến họ phải tiếp tục sống trong cảnh túng thiếu, phải xoay xở, vay mượn để trang trải cuộc sống.

Nữ dược sĩ Đỗ Thị Thanh cho biết, trước Tết Nguyên đán 2022, chị được bệnh viện trả tiền nợ lương từ tháng 5/2021 với số tiền gần 35 triệu đồng. Sau khi nhận số tiền đó, chị phải dùng để chi trả cho các khoản vay nợ, mua sắm Tết, rồi cũng dần hết sạch.

"2 tháng qua không được chi trả lương, tôi lại phải vay mượn từng đồng để trang trải cho cuộc sống gia đình, tôi không nghĩ năm nay lại vất vả như vậy", chị Thanh nói.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng bức xúc vì tình trạng nợ lương. Ảnh: PV.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng bức xúc vì tình trạng nợ lương. Ảnh: PV.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng (Điều dưỡng trưởng, Khoa Lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) bức xúc nói: "Tôi gần như mất động lực cống hiến cho bệnh viện bởi vì suốt thời gian qua, ngày nào cũng nghĩ về việc bao giờ mới được nhận lương, tôi thực sự quá chán nản và mệt mỏi".

Tối 21/3, trả lời Báo Lao Động, ông Phạm Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam xác nhận có tình trạng nợ lương cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong tháng 2 và tháng 3/2022.

"Chúng tôi đã ký quyết định về việc chi trả lương tháng 2 và tháng 3/2022 cho cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh, nhưng do mất nhiều thời gian làm thủ tục nên vẫn chưa thể chi trả lương cho họ. Dự kiến 1-2 hôm tới, cán bộ, nhân viên y tế sẽ được trả nợ lương tháng 2 và tháng 3/2022", Ông Bình nói.

Đây là thông tin rất được mong đợi của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bởi đã 2 tháng nay họ đi làm mà không nhận được đồng lương nào. Tuy vậy, nhiều cán bộ, y, bác sĩ vẫn không đồng ý cách giải quyết theo kiểu "đến đâu hay đến đó" của lãnh đạo Học viện và Bệnh viện.

"Bây giờ trả lương tháng 2, tháng 3 rồi đến tháng 4, tháng 5 tiếp tục chậm lương rồi chúng tôi lại phải đi đòi quyền lợi mới được trả lương, chúng tôi vô cùng mệt mỏi. Điều chúng tôi mong muốn là lãnh đạo Học viện và Bệnh viện phải giải quyết dứt điểm việc nợ lương và có kế hoạch phát triển bệnh viện lâu dài", bà Lê Mai Ánh, Tổ trưởng Tổ Công đoàn 2, Bệnh viện Tuệ Tĩnh nói với Lao Động.

Trước đó, từ tháng 5/2021, 158 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ hưởng mức lương hơn 2 triệu đồng do Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ 50% lương, khiến nhiều người phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Đã không ít lần, họ phải kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền can thiệp để đòi quyền lợi. Đến tháng 1/2022, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã thanh toán hết số tiền nợ lương hơn 5 tỉ đồng cho gần 160 người lao động bị nợ lương trong 8 tháng trước đó. 

Nguyên nhân khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh rơi vào tình cảnh khó khăn và phải nợ lương hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế do COVID-19 bệnh viện không có nguồn thu và trước đó bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ có phần vội vàng, thiếu sự chuẩn bị.

 

Tác giả: Hữu Chánh - Trần Tuấn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan