A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội

Sáng 27/9, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, công đoàn và bảo hiểm xã hội”, tại Hội trường Quận ủy Long Biên.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XVII Công đoàn thành phố Hà Nội và hướng tới Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam.

Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi Đối thoại

Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi đối thoại

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, đối với bất kỳ người lao động nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, bảo hiểm xã hội hay các quyền lợi về thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… Ở góc độ người sử dụng lao động, việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động cũng là điều cần thiết, từ đó mới có thể động viên, giữ chân được người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm, trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người lao động và cả người sử dụng lao động lại chưa cập nhật được kịp thời. Điều này dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách chưa được doanh nghiệp triển khai đầy đủ và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật cho cả người sử dụng lao động và người lao động nắm rõ là hết sức cần thiết.

Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu phát biểu tại buổi đối thoại

Phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho hay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động luôn là nhiệm vụ được tổ chức công đoàn và các cấp ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nicotex đặt câu hỏi
Ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nicotex đặt câu hỏi

Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã trực tiếp bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc về những chính sách liên quan đến pháp luật lao động. Ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nicotex hỏi: Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ thời điểm 1/1/2009 lúc đó đang giữ vị trí quản lý với mức lương cao 15 triệu đồng. Sau đó, do tuổi cao hoặc luân chuyển vị trí công tác, hiện người đó chỉ làm công nhân, mức thu nhập thấp hơn trước. Doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tổ chức, người lao động bị mất việc làm. Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp này người lao động được tính trợ cấp mất việc, thôi việc như thế nào để đỡ thiệt thòi?

Giải đáp câu hỏi, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật thì cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc của người lao động do doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tổ chức là lấy tiền lương 6 tháng gần nhất chia bình quân để tính chứ không lùi lại mức lương từ trước năm 2009. Quy định của pháp luật là vậy, còn doanh nghiệp có thỏa thuận hoặc cách tính nào khác để đỡ thiệt thòi quyền lợi cho người lao động thì đó là cách của doanh nghiệp.

Ông Trần Kim Việt - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty May Đức Giang hỏi: Xin hỏi các chuyên gia, hiện tại có một số người lao động muốn đổi hồ sơ bảo hiểm xã hội do sai cả ngày tháng năm sinh, trường hợp này giải quyết thế nào, thủ tục ra sao?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: Ở đây có 2 tình huống xảy ra. Nếu hồ sơ của người lao động thật sự là bị khai sai, trong trường hợp này, người lao động cần phải có giấy tờ gốc như giấy khai sinh gốc để chứng minh về nhân thân ngày, tháng, năm sinh, công ty sẽ làm công văn đề nghị và kèm theo tờ khai điều chỉnh nhân thân theo giấy khai sinh gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để điều chỉnh. Còn nếu trường hợp mượn hồ sơ của người khác để sử dụng thì phải đưa ra tòa án xác định lại và xử lý theo cách khác.

Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội
Quang cảnh tọa đàm

Chị Lê Thùy Linh, Công đoàn Công ty Việt Sinh hỏi: Công ty tôi làm về lĩnh vực suất ăn cho trẻ, đặc thù công việc của chúng tôi là sẽ gián đoạn 3 tháng hè, Công ty không có doanh thu và không hoạt động, người lao động nghỉ việc không lương. Chúng tôi muốn duy trì thẻ BHYT trong thời gian 3 tháng nghỉ, vậy có cách nào không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời: Hiện nay nghỉ không lương đang là đối tượng “vướng” của Luật BHXH, bởi nghỉ không lương vẫn thuộc đối tượng do đơn vị đang quản lý, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH hộ gia đình. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều về vấn đề này. Thời gian BHXH chúng ta có thể cộng nối để hưởng chế độ nhưng với BHYT nếu ngắt quãng 3 tháng thì giá trị BHYT sẽ đóng lại từ đầu. Về mặt pháp lý, hiện nghỉ không lương sẽ không được đóng BHYT hộ gia đình. Bởi vậy, đơn vị chỉ có cách duy nhất là đơn vị tự hoãn Hợp đồng lao động và sau đấy người lao động sẽ về địa phương để mua BHYT hộ gia đình.

Phát biểu bế mạc chương trình, ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết, sau gần 2 giờ diễn ra chương trình, đã có hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, công nhân, lao động gửi tới các chuyên gia, tập trung về những vấn đề liên quan thiết thân đến người lao động như: Hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tuyển dụng công chức, viên chức… Những ý kiến đó đã được các chuyên gia tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.


Tác giả: Diệu Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật