Ngành Công Thương nỗ lực nâng cao năng suất lao động
Hoạt động nâng cao năng suất lao động cho đội ngũ trên 80 vạn lao động thời gian qua đã luôn được ngành Công Thương đặc biệt quan tâm bởi không chỉ đơn thuần góp phần vào nâng cao đời sống người lao động mà sâu xa hơn là còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như nâng cao hình ảnh của một quốc gia năng động và sáng tạo mang tên Việt Nam.
Năng suất lao động Việt Nam tăng nhanh nhưng còn nhiều thách thức
Trong quá trình phát triển đất nước, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động được Chính phủ xác định là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững.
Theo các chuyên gia, năng suất lao động được đo bằng tổng hòa nhiều yếu tố, gồm có yếu tố vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng lao động.
Năng suất lao động ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phục hồi với điểm sáng rất đáng chú ý là, so với các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao. Tuy nhiên xét về mặt giá trị tuyệt đối thì Việt Nam lại thấp hơn nhiều ngay cả khi so với các nước ASEAN.
Phân tích một số khó khăn, thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước nhiều chuyên gia cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Những vấn đề trên thực chất là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước. Cùng với đó, tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước.
Ngoài ra, chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics và việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi.
5 yếu tố để nâng cao năng suất lao động
Phân tích về “chìa khoá” để giải bài toán nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng, nhiều chuyên gia cho rằng cần đặc biệt quan tâm giải quyết 5 yếu tố.
Năng suất lao động ngày càng được coi là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế (ảnh minh hoạ) |
Một là yếu tố cá nhân của người lao động. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định thì họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn cam kết gắn bó với doanh nghiệp.
Hai là sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của lao động…
Ba là niềm tin vào doanh nghiệp và định hướng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có chiến lược định hướng rõ ràng sẽ làm tăng niềm tin của người lao động.
Thứ tư, là vấn đề tiền lương.
Thứ năm là vai trò của lãnh đạo, sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo. Đây là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là thách thức nhất với lao động của Việt Nam.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện năng suất lao động trong ngành Công Thương đang có sự tăng trưởng so với trước. Nếu như năm 1990 năng suất lao động ngành Công Thương chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng trên 8.000 USD/người/năm.
Xếp theo thứ tự năng suất theo ngành, số liệu chỉ ra từ cao xuống thấp là các ngành hóa chất, điện, điện tử - tin học ngành cơ khí. Đáng chú ý là nhóm ngành có sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày nhưng lại có năng suất thấp và xếp cuối cùng là ngành thép.
Trong vai trò là ngành chủ đạo tạo ra của cải vật chất của đất nước, những năm gần đây các hoạt động hướng tới việc nâng cao năng suất lao động luôn được ngành Công Thương đặc biệt quan tâm thúc đẩy. Ngành đã chủ động kết nối, hợp tác và xây dựng các chương trình hợp tác với các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam nhằm bắt kịp với những xu thế mới nhất của khoa học công nghệ, quản trị công ty và trình độ nhân lực để tạo sự lan toả trong việc nâng cao năng suất lao động.
Đáng chú ý là các chương trình hợp tác của Bộ Công Thương với Tập đoàn Samsung. Trong đó phải kể đến các khoá đào tạo đào tạo mang tính bài bản cho hàng trăm tư vấn viên Việt Nam và nhiều doanh nghiệp được tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng.
Những khóa đào tạo này triển khai dựa trên quy trình tư vấn đã được Samsung áp dụng rất thành công bao gồm: Đánh giá tình hình hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; tư vấn cải tiến, đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa, cải thiện và duy trì môi trường làm việc (5S3D), tăng năng suất lao động nhằm mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tham gia và tham gia sâu vào chuổi cung ứng toàn cầu.
Cùng đó Bộ Công Thương đã hợp tác với Tập đoàn Samsung đào tạo 200 chuyên gia về khuôn mẫu nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chí kỹ thuật và giá trị cho ngành sản xuất khuôn mẫu có quy mô lên tới 1 tỷ USD/năm.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Samsung Việt Nam trong việc phát triển nhà máy thông minh. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Bộ Công Thương đặt ra là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiểu đúng, làm đúng, triển khai tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững thông qua các biện pháp chuyển đổi số.
Mục tiêu của nội dung hợp tác này là đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng nhà máy thông minh trong 2 năm (2022-2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Đồng bộ giải pháp giải bài toán tăng năng suất
Một nội dung quan trong khác trong việc nâng cao năng suất lao động của ngành Công Thương là Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện theo Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong 9 Dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Dự án hướng tới việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.
Các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cái tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp. Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực.
Trong giai đoạn tiếp theo từ nay đến năm 2030, các hoạt động của Chương trình sẽ tiếp cận một cách toàn diện để giải quyết vấn đề năng suất và cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp.
Trong đó, ở phạm vi doanh nghiệp, các hoạt động triển khai sẽ gắn với toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như vòng đời sản phẩm, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ quản trị gắn với công nghệ sản xuất và từng bước thực hiện chuyển đổi số; đồng thời phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
Công đoàn ngành Công Thương với vai trò của mình cũng tích cực tham gia vào việc chung tay nâng cao trình độ tay nghề năng suất lao động cho đội ngũ đoàn viên, người lao động. Đáng kể nhất là Công đoàn ngành đang tích cực động viên đội ngũ đoàn viên tham gia tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến- Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm phát huy tính tích cực chủ động, khả năng sáng tạo cũng như ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ 80 vạn lao động trong ngành cùng cả nước thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.
Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã nêu rõ một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg (ngày 4/2/2020) về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Trong đó với Bộ Công Thương, Chính phủ xác định rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn.
Xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện năng lực canh tranh công nghiệp và thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh công nghiệp với các nước ASEAN-4; tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao và vai trò của khu vực tư nhân trong công nghiệp chế biến chế tạo được nâng lên. Xây dựng Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo đến năm 2030.