A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người lao động mong các mặt hàng giữ giá trước thềm cải cách tiền lương

Trước thềm thực hiện chính sách cải cách tiền lương 1.7.2024, nhiều người lao động mong muốn việc giá cả hàng hóa ổn định sẽ được duy trì.

Giá giảm nhờ nguồn cung dồi dào

Trong không khí rộn rã của chợ đầu mối Tân An (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) buổi sớm, chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Tính (nhà vườn tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đang chở xe rau cải đầy ắp để bỏ mối cho thương lái.

Trước đó, vì thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng rau màu, ông Tính phải giảm số lượng cung ứng đến các tiểu thương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tính cho hay: “So với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, lượng rau tôi bỏ mối tại chợ tăng khoảng 30kg/ngày. Nhờ thời tiết thuận lợi nên rau cải phát triển tốt, không èo uột thu hoạch 2 ngày mới được 50kg như trước”.

Cũng theo ông Tính, vì nguồn cung cho các chợ đầu mối tăng, giá nông sản cũng giảm so với thời điểm trước: “Tôi bỏ mối với giá 10.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng. Lượng rau nhiều nên giá giảm nhưng nhìn chung sau khi trừ đi chi phí vẫn có lời”.

Ảnh: Bích Ngọc

Cảnh nhộn nhịp với các xe chở hàng hóa tại chợ Tân An (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Bích Ngọc

Ghi nhận tại các khu chợ trên địa bàn TP Cần Thơ như Xuân Khánh, Bà Bộ..., các loại rau củ, quả có phần giảm giá nhẹ. Theo chia sẻ của tiểu thương, nguyên nhân giá giảm là do nguồn cung nông sản tăng, hàng hóa dồi dào.

Bà Phạm Kim Liên (tiểu thương chợ Bà Bộ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: "So với thời điểm cách đây 3 tuần, nhà vườn bỏ mối cho tôi với số lượng nhiều hơn, rau cải, củ quả cũng tươi ngon. Nguồn cung ổn định nên giá cả có phần giảm so với trước, từ khoảng 1.000-5.000 đồng/kg, tuỳ loại".

Cần giá cả ổn định được duy trì

Vẫn thói quen đi chợ vào mỗi buổi sáng, chị Hồ Tú Anh (một công chức tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phấn khởi khi giá cả hàng hóa tại các chợ truyền thống hiện có phần ổn định.

Chị Anh cho biết: “Gần 1 tuần nay, giá rau giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thịt lợn giảm khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg… Nhờ đó, vẫn 150.000 đồng tiền chợ/ngày, lượng thực phẩm đủ dùng cho 3 người, tôi dư ra được khoảng 15.000 đồng mua thêm bánh, kẹo cho con”.

Giá cả hàng hóa ổn định nhất là trước thềm thực hiện chính sách cải cách tiền lương 1.7.2024 khiến chị Anh thêm kì vọng thị trường tiếp tục duy trì ổn định.

“So với cấp bậc được quy định, tôi có thể được tăng lương 3 năm/lần, mức tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Chỉ sợ hàng hóa a dua tăng theo lương thì sau cải cách, tôi vẫn không có đồng dư. Giá cả bình ổn thì cuộc sống đỡ chật vật hơn”, chị Anh nói.

Ảnh: Bích Ngọc

Người lao động mong giá cả bình ổn được duy trì, không a dua theo lương. Ảnh: Bích Ngọc

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 (ngày 12.6), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - đề nghị các cơ quan cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Đồng thời, cần phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan