Người thất nghiệp làm lao động tự do trong thời gian chưa xin được việc mới
Từ đầu năm 2023 đến nay nhiều công ty, doanh nghiệp gặp khó phải cắt giảm số lượng lớn lao động, do đó nhiều người thất nghiệp chọn lao động tự do để ứng phó trong thời gian khó xin việc làm mới.
Vẫn nuôi hy vọng tìm việc làm ổn định
Bà Phạm Thùy Trang (sinh năm 1989, ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), phải nghỉ lao động cho một công ty may trên địa bàn huyện vì công ty giải thể do không có đơn hàng sản xuất.
Bà Trang cho biết: “Gia đình còn con nhỏ, chồng cũng không có việc làm nên tôi và chồng đã mang hồ sơ đi xin việc nhiều nơi nhưng không được nhận, do các công ty đòi hỏi phải có kinh nghiệm, không thực hiện đào tạo”.
Theo bà Trang, khi xin việc không được, bà xin vào làm cho một công ty nhỏ tại xã Tân Thành để vừa thuận tiện cho việc đưa, đón con đi học, vừa có thể đi làm trễ rồi về trễ vì công ty này của hộ gia đình, ngày nào có làm thì có thu nhập được 200.000 đồng.
“Đó là việc làm thời vụ, chỉ giải quyết tiền lương hàng ngày chứ không có tham gia các loại bảo hiểm. Do đó những ngày không có hàng làm ở công ty này, tôi đi tìm các công ty tuyển lao động có hợp đồng để xin vào làm”, bà Trang cho biết thêm.
Cũng có hoàn cảnh thất nghiệp do công ty không có đơn hàng sản xuất, anh Lê Minh Hùng (sinh năm 1993, ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình) hiện làm tiếp viên phục vụ tại một quán giải khát trên địa bàn huyện.
Anh Hùng cho biết, sau khi học nghề sửa chữa ôtô, đã làm việc cho một công ty ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng đầu năm 2023, anh phải nghỉ việc do công ty phá sản.
“Dò hỏi nhiều nơi có liên quan đến sửa chữa ôtô, nhưng tạm thời những công ty này không có tuyển lao động nên tôi xin vào làm cho quán cà phê gần nhà. Tôi sẽ quay lại tìm việc làm mới vào đầu năm 2024 để làm ở những công ty có những chính sách cho người lao động”, anh Hùng cho biết thêm.
Quan tâm công tác đào tạo nghề
Ngày 30.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Đông - Trưởng phòng BHTN tỉnh Vĩnh Long thông tin, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có gần 10.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo ông Đông, người lao động thất nghiệp chủ yếu là công nhân lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp chiếm 88%, nghề nghiệp trước khi nghỉ việc thuộc các lĩnh vực thợ may, thêu chiếm 54%, còn lại ở một số lĩnh vực khác như kế toán, nhân viên bán hàng rất khó xin việc làm mới trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo ông Đông, trong số những người thất nghiệp, có hơn 1.400 người được hỗ trợ tham gia học nghề, để có thể tham gia lao động ở công ty mới hoặc tự mở tiệm làm tóc, quán nước do mình làm chủ.
Thời gian qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm luôn được quan tâm, trong đó tư vấn giới thiệu việc làm được trên 43.000 lượt người.
“Ngoài được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được học nghề miễn phí, giúp học viên dễ xin việc làm mới, có đủ các chính sách, bảo hiểm đảm bảo cuộc sống cho người lao động về sau”, ông Đông cho biết thêm.