A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới, quan trọng trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng.

Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi có nội dung giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với những điểm mới như sau:

Thứ nhất, bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng

Bên cạnh tầng bảo hiểm xã hội (BHXH )cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí được bổ sung nhằm hình thành hệ thống BHXH đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Quy định này kế thừa một phần quy định về trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi đang được thực hiện theo quy định tại Luật Người cao tuổi.

Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của BHXH để dần hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.

Việc quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cũng giúp linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình, xu hướng phát triển của đất nước, khi mà đời sống KTXH chung của đất nước được nâng lên, người dân có được sự thụ hưởng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội từ Nhà nước.

Đặc biệt, dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Thứ hai, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc.

Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng này mới chỉ được hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nếu như Luật được thông qua sẽ có khoảng 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.

Thứ ba, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện

Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ tư, giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.

Việc sửa góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.

Thứ năm, quy định về hưởng BHXH một lần.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng như:

Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội;

Người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 02 phương án:

- Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13): "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".

- Phương án 2 (quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.

Thứ sáu, bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế

Nhằm phù hợp với quy định giảm điều kiện về số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, đồng thời để thúc đẩy triển khai các hiệp định về bảo hiểm xã hội với các nước (trong đó có thỏa thuận về tính cộng gộp thời gian làm cơ sở tính hưởng quyền lợi BHXH đối với người lao động làm việc ở các quốc gia khác nhau), do đó tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định để cho phép tính được tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng BHXH và việc công nhận thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.

Thứ bẩy, bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong trong việc xác định, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH như:

Quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế);

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên;

Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên;

Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Toà án;

Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật;

Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động.

Thứ tám, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

Luật BHXH hiện hành quy định, từ năm 2018, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.

Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.

Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 02 phương án:

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Thứ chín, sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu

Nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, để vừa giúp cải thiện mức lương hưu, gia tăng quyền lợi cho người lao động vừa góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến với 02 phương án có sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, cụ thể:

Phương án 1: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Phương án 2: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ mười, sổ bảo hiểm xã hội điện tử

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá quản lý bảo hiểm xã hội theo tình thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tạo thuận lợi, minh bạch cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, dự thảo Luật quy định sổ bảo hiểm xã hội được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng, là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện thực hiện thực tiễn đối với những trường hợp chưa có điều kiện thực hiện điện tử thì dự thảo luật cũng có bước quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục sử dụng sổ bảo hiểm xã hội bằng bản giấy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật