A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển lao động có tay nghề cao

Sáng 8/11, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) tổ chức hội thảo khoa học 'Định hướng chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng tại thành phố giai đoạn 2023 - 2024, tầm nhìn đến năm 2030'.

ThS Trần Văn Bích, thành viên HIDS, nhận định xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp tại TP HCM ra các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục gia tăng. Qua đó cho thấy chủ trương phát triển nguồn nhân lực của thành phố hạn chế lao động phổ thông, tăng cường lực lượng lao động có tay nghề, trình độ chất lượng cao vào các ngành sản xuất giá trị cao, công nghề và dịch vụ.

"Chuyển dịch sản xuất đã tạo ra việc làm cho gần 82.000 lao động ở các địa phương. Chiều ngược lại, với sự phát triển liên kết vùng, TP HCM đã thu hút nhiều dự án đầu tư và hàng vạn nhân lực chất lượng cao đến làm việc" - ThS Trần Văn Bích đánh giá.

Phát triển lao động có tay nghề cao - Ảnh 1.

TP HCM đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% vào năm 2025

Liên quan đến công tác đào tạo lại lực lượng lao động, ThS Ngô Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế TP HCM, cho biết dựa trên kết quả nghiên cứu năm 2021 của HIDS và khảo sát trong năm 2023 tại 549 doanh nghiệp (DN), 29 cơ sở, đơn vị đào tạo kỹ năng, đào tạo nghề và 1.089 người lao động (NLĐ) thuộc 3 nhóm ngành dệt may - da giày, bán buôn - bán lẻ và lập trình viễn thông, thì khoảng cách năng lực tại các DN còn hạn chế, tỉ lệ lao động mong muốn được đào tạo trên 78%, trong khi các nội dung đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là những nhu cầu chuyên môn về kỹ thuật, kỹ năng để NLĐ thích nghi với những thay đổi từ cách mạng công nghệ lần thứ tư.

"Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, bởi sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi NLĐ phải nâng cao năng lực chuyên môn, thể chất và tinh thần mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ" - ThS Ngô Thanh Hải nói.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng cần nhận định đâu là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải có khung tham chiếu ngành nghề, trình độ, chỉ tiêu về nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từ nay cho đến năm 2030. Từ đó, mới đặt hàng đến các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tiệm cận với nhu cầu của thị trường.

Theo ông Thinh, trong định hướng thị trường lao động có rất nhiều việc đang chậm và ngược so với thế giới. Vì vậy, những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cần minh bạch, cụ thể những nội dung phải thực hiện từ đây đến hết năm 2030. "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng cần giữ được vai trò đầu tàu của TP HCM trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, công tác đào tạo phải đáp ứng nhu cầu nguồn lực lao động của thị trường và theo đúng định hướng chiến lược của thành phố đề ra" - ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.


Tác giả: Bài và ảnh: Huỳnh Như
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật