Tại sao thị trường lao động tăng trưởng mạnh là mối nguy với nền kinh tế Mỹ?
Số liệu chính thức công bố ngày 05/08 cho thấy thị trường việc làm tại Mỹ đã có thêm tín hiệu sáng trong tháng 7/2022 khi nền kinh tế bất ngờ bổ sung thêm 528,000 việc làm, xua tan mọi đồn đoán về sự sụt giảm.
Trong quá khứ, chưa hề có tiền lệ nào cho thấy một nền kinh tế đang trong suy thoái lại có thể tạo ra 528,000 việc làm trong 1 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 3.5%, mức thấp nhất kể từ năm 1969 và cũng không phù hợp với bối cảnh suy thoái. Tiền lương trung bình hàng giờ của người lao động tăng 5.2% trong tháng 7.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sắp tới sẽ không có suy thoái, và trớ trêu thay, chính khả năng phục hồi phi thường của thị trường lao động có thể gây ra mối nguy hiểm lớn nhất về lâu dài cho nền kinh tế rộng lớn hơn. Đây là một thông tin không tốt với Fed, vì họ đang cố gắng xoa dịu áp lực thiếu cung trên thị trường lao động và kìm hãm đà tăng mạnh của tiền lương trong nỗ lực kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
“Trên thực tế, điều này giúp Fed có thêm dư địa để tiếp tục thắt chặt tiền tệ, ngay cả khi nó làm tăng khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, Jim Baird, Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors, cho biết. “Tiếp tục thắt chặt mà không để lại hậu quả tiêu cực cho người tiêu dùng và nền kinh tế sẽ là một nhiệm vụ khó nhằn với Fed”.
Thật vậy, sau báo cáo ấn tượng về thị trường việc làm, các trader liền cược rằng Fed có thể còn quyết liệt hơn trong quá trình thắt chặt tiền tệ. Theo dữ liệu của CME Group, tính tới chiều ngày 06/08 (giờ Mỹ), các trader cho rằng có xác suất khoảng 69% Fed sẽ tăng lãi suất 0.75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9/2022.
Vì vậy, trong lúc Tổng thống Joe Biden ăn mừng vì con số việc làm ấn tượng, thì thị trường đang hồi hộp chờ đợi một dữ liệu quan trọng hơn sắp được công bố vào tuần tới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo lạm phát phổ biến nhất – sẽ được công bố vào ngày 10/08 và nhiều chuyên gia dự báo áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng dù giá xăng đã giảm trong tháng 7.
Bài toán của Fed sẽ trở nên khó khăn hơn: Làm sao dùng lãi suất để kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Như Rick Rieder, Giám đốc đầu tư phụ trách bộ phận tài sản thu nhập cố định toàn cầu của BlackRock, chỉ ra thách thức của Fed là “làm thế nào để 'hạ cánh mềm' khi mà nền kinh tế đang nóng lên và bối cảnh cũng quá khác biệt so với trước”.
“Số liệu việc làm ngày hôm nay làm phức tạp nhiệm vụ của Fed khi họ đang tìm cách xoa dịu đà tăng trưởng nóng của thị trường việc làm để kiểm soát mức lạm phát hiện tại”, ông Rieder cho biết trong báo cáo. "Câu hỏi đặt ra bây giờ là lãi suất sẽ phải tăng thêm bao lâu nữa (và tới mức nào) trước khi lạm phát có thể được kiểm soát?"
Ngày càng nhiều tín hiệu suy thoái
Thị trường tài chính đang gây khó dễ cho Fed theo nhiều khía cạnh. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã vượt lợi suất kỳ hạn 10 năm và khoảng cách đang ở mức cao nhất trong 22 năm. Điều này có nghĩa đường cong lợi suất đang bị đảo ngược và thường là một dấu hiệu báo hiệu sớm về suy thoái.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa suy thoái sẽ ập tới ngay lập tức mà chỉ có nghĩa là nhiều khả năng xảy ra trong năm tới hoặc 2 năm sau. Trong bối cảnh hiện tại, Fed khó lòng giảm bớt nhịp độ nâng lãi suất.
“Mặc dù sản lượng kinh tế đã giảm 2 quý liên tiếp, nhưng với thị trường lao động mạnh như thế này, kinh tế Mỹ nhiều khả năng chưa suy thoái”, Frank Steemers, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại The Conference Board, cho hay. “Tuy nhiên, hoạt động kinh tế có thể chậm lại khi càng gần về cuối năm và ngày càng nhiều khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trước khi hết năm 2022 hoặc vào đầu năm 2023”.