Thu nhập bình quân lao động Việt Nam có xu hướng tăng
Tình hình lao động, việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 ước tính là 50,5 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số; Khu vực công nghiệp và xây dựng 16,8 triệu người, chiếm 33,3%; Khu vực dịch vụ 19,8 triệu người, chiếm 39,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,3 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người, tăng 2,7%; Khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người, tăng 0,04%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II/2022 là 7,5 triệu đồng/tháng |
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2022 là 56,2%; Quý II/2022 ước tính là 55,6%. Trong đó, khu vực thành thị là 47,5%; Khu vực nông thôn là 62,3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 55,9%. Trong đó, khu vực thành thị là 47,8%; Khu vực nông thôn là 62,6% (6 tháng năm 2021 tương ứng là 57,2%; 48,5%; 64,5%).
Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II/2022 là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 178 nghìn đồng so với quý trước và tăng 707 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,9 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng.
Nếu tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo kết quả sơ bộ từ khảo sát mức sống dân cư trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư đã ngày càng cải thiện. Tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 78,55%; Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm là 21,45%.
Trong các nguyên nhân làm giảm thu nhập của hộ gia đình có tới 82,8% hộ gia đình đánh giá thu nhập giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; 18% hộ đánh giá thu nhập giảm là do thành viên của hộ mất việc làm/tạm nghỉ việc và 14,2% hộ đánh giá thu nhập giảm là do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng lên.