A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền điện - chuyện không nhỏ với người lao động

Với CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ làm việc xa nhà phải ở trọ, bên cạnh các khoản chi phí cho cuộc sống, tiền điện luôn là nỗi lo hằng tháng, luôn chiếm tỉ trọng đáng kể trong thu nhập của họ, nhất là khi điện sinh hoạt của họ được tính theo giá điện kinh doanh. Tiền điện tăng thêm chút nào là cuộc sống của CNLĐ thêm vất vả chút ấy.

Tiền điện - chuyện không nhỏ với người lao động

Một khu nhà trọ công nhân ở Long An. Ảnh: K.Q

Tất cả chi phí đều tăng

Chị Lê Bích Ngọc, CNLĐ làm việc tại Khu công nghiệp Long Hậu - Hòa Bình (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), nhà ở xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: Cuộc sống đến nay vẫn chưa hết khó khăn do hậu quả của những tháng nghỉ làm thực hiện giãn cách và giá cả của hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng. “Cũng may là giá điện sinh hoạt vẫn giữ nguyên chưa tăng”, chị Ngọc nói.

Chị Ngọc cho biết, gia đình 4 người của chị sử dụng điện tiết kiệm mỗi tháng cũng hết gần 100kwh, giá trung bình khoảng 1.700 đồng/kwh, tiền điện mỗi tháng hết gần 200 nghìn đồng, chiếm gần 4% thu nhập của chị. “Số tiền này không lớn, nhưng cộng hàng chục khoản chi phí nhỏ thường xuyên như thế, trở thành áp lực hàng tháng lên cuộc sống gia đình”, chị Ngọc chia sẻ.

Không được may mắn như chị Ngọc và những CNLĐ có thể hàng ngày đi làm rồi trở về nhà của mình, hàng chục ngàn CNLĐ nhập cư phải sống trong các nhà trọ ở tỉnh Long An có cuộc sống vất vả hơn nhiều. Hàng tháng họ phải tốn tiền nhà trọ, chi phí việc học cho con nhỏ cũng tốn kém nhiều hơn do không có hộ khẩu tại địa phương, thỉnh thoảng phải về quê xa thăm gia đình... Người lao động cân đối từng khoản chi, luôn rất dè sẻn chuyện ăn uống, sinh hoạt, tiền điện nước… Đối với họ, một vài trăm ngàn tiền điện hàng tháng là rất đáng kể nên tiết kiệm được đồng nào là quý đồng đó. Trong khi đó, đa số không được mua điện với giá sinh hoạt bậc thang (gần 1.700đ/kwh cho 50kwh đầu tiên) do Nhà nước qui định.

“Nghiến răng” mua điện với giá 4.000đồng/kwh

Đến khu nhà trọ K.T ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào những ngày nóng bức, chúng tôi thấy nhiều người ngồi ngoài sân chứ không ở trong phòng trọ. Người lao động cho biết chọn ngồi ngoài sân để đỡ phải bật quạt vì giá điện ở đây rất cao, lên đến 4.000đồng/kwh. Mỗi hộ (2 vợ chồng và 1 đứa con), mỗi tháng xài tiết kiệm cũng hết gần 100khw, chi phí gần 400 ngàn đồng, số tiền không hề nhỏ so với tiền lương của những CNLĐ ở địa phương.

Ông X, một CNLĐ ở đây cho biết, điện dùng chủ yếu cho nấu ăn bằng bếp điện, vì nấu ăn bằng bếp gas nguy hiểm trong điều kiện phòng trọ kín bịt bùng. Ngoài ra còn điện chiếu sáng, tủ lạnh, máy giặt, quạt máy… Ông có thắc mắc chủ nhà trọ việc giá điện quá cao và được trả lời do ngành điện tính cao!

Trao đổi với PV, bà K - chủ nhà trọ cho biết, cơ sở của bà được tính tiền điện theo giá kinh doanh, trung bình hơn 3 ngàn đồng/kwh tại đồng hồ tổng của cơ sở. Bà phải tính thêm hao hụt, khấu hao đường dây đến đồng hồ của các hộ ở trọ, cuối cùng ra mức giá 4 ngàn đồng/kwh.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Oanh - Giám đốc CTy Điện lực Long An - cho biết, đối với các cơ sở nhà trọ có làm đăng ký đầy đủ với ngành điện, mỗi người ở trọ được sử dụng điện sinh hoạt theo giá bậc thang (chưa tới 1.700đ/khw cho 50kwh đầu tiên) như 1 hộ gia đình. Còn những cơ sở không đăng ký, họ chấp nhận sử dụng điện theo giá kinh doanh, để rồi họ tính lại giá cao cho người ở trọ. “Để cho CNLĐ ở trọ được sử dụng điện theo gia sinh hoạt, chỉ cần chủ nhà trọ làm thủ tục đăng ký với ngành điện địa phương”, ông Oanh chia sẻ.

Việc ấy những CNLĐ ở trọ không biết và không thể làm, trong khi nhiều chủ nhà trọ lại không làm, cuối cùng gánh nặng tiền điện thuộc về những CNLĐ ở trọ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan