Những bông hoa đẹp trong vườn hoa người khiếm thị Thủ đô
Trong những năm qua, nhiều cán bộ, hội viên Cụm thi đua số 2 – Hội Người mù thành phố Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện và phát huy lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”. Họ trở thành tấm gương tiêu biểu, là những bông hoa đẹp toả ngát hương trong vườn hoa người khiếm thị Thủ đô.
Anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 cho biết: “Có gặp những tấm gương vượt khó của người khiếm thị, chúng ta mới thấy ở họ một nghị lực phi thường. Những bất hạnh, khó khăn thách thức vì khuyết tật khiến họ sống như những người bình thường đã khó nhưng nhiều người khiếm thị đã không chỉ khẳng định bản thân, tạo ra giá trị tốt đẹp mà họ còn chủ động vươn lên, hoà nhập cộng đồng, góp phần không nhỏ giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 phát biểu tại chương trình |
Một trong bí quyết của nỗ lực đó chính là lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”. Lời vàng ý ngọc trong 65 năm qua đã trở thành kim chỉ nam, là ánh sáng rọi đường cho những người khiếm thị nói chung và người khiếm thị Cụm thi đua số 2 nói riêng trên chặng đường hoà nhập cộng đồng”.
Trong chương trình, các hội viên Hội Người mù thành phố Hà Nội được lắng nghe, toạ đàm cùng ba gương điển hình: Bác Nguyễn Gia Đông, Hội Người mù quận Tây Hồ; Anh Nguyễn Văn Đức, Hội Người mù quận Cầu Giấy; Bạn Nguyễn Phương Anh, Hội Người mù quận Bắc Từ Liêm. Họ là những tấm gương tiêu biểu, minh chứng cho nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”.
Các hội viên tiêu biểu thực hiện lời dạy của Bác "Tàn nhưng không phế" giao lưu tại chương trình |
Trươc đây, bác Nguyễn Gia Đông và một số anh chị em thương binh được đưa về trường Thương binh bỏng mắt. Bác Hồ đã đến thăm trường và có lời dạy cho anh em thương binh bỏng mắt “Tàn nhưng không phế”. Lời dạy này đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều thương binh bỏng mắt.
Sau khi kết thúc chiến tranh, ngoài học tập văn hoá, một số anh em thương binh vào trường nghệ thuật, người tham gia lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ Nhân dân, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Chính bác Đông đã trở thành người thợ cừ khôi, có thể kiếm tiền nuôi con cái học hành, xây nhà. “Anh em thương binh có đời sống ấm no hạnh phúc. Lời dạy của Bác thật sự có giá trị, là động lực để thương binh chúng tôi vượt lên khó khăn, tự tin trong cuộc sống”, bác Đông bày tỏ.
Đại diện Ban tổ chức, Quỹ Nhân ái trao quà tới các hội viên |
Anh Nguyễn Văn Đức, Hội Người mù quận Cầu Giấy là người cùng một lúc mất đi đôi mắt và đôi bàn tay. Dù vậy nhưng anh Đức luôn tâm niệm “khả năng của con người là vô tận”. Rất nhiều tiềm năng của con người chưa được khai phá. Anh cho rằng, khi có ý chí không muốn trở thành người vô dụng thì sẽ cố gắng vươn lên. Anh bắt đầu làm từ những việc rất nhỏ, dần đến việc lớn hơn để chạm tới thành công nhất định.
Trong cuộc sống cũng có lúc yếu lòng, bi quan nhưng anh Đức chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc sống của mình bế tắc. Anh luôn tin tương lai ở phía trước sẽ rộng mở chào đón nếu thực sự cố gắng. Anh Đức gửi gắm thông điệp: “Có những sự thật chúng ta phải chấp nhận, không thay đổi được như bị khuyết tật. Tuy nhiên, hãy để chúng tôi tiến cùng xã hội”.
Nguyễn Phương Anh, Hội Người mù quận Bắc Từ Liêm tuy đôi mắt khiếm thị nhưng cô gái trẻ tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, tạo việc làm cho người khiếm thị. Từ một cô bé nhút nhát, thiếu tự tin, sau 5 năm, Phương Anh đã thật sự trưởng thành. Vượt qua tàn tật, cô gái trẻ sống như những đoá hoa, có ích cho tổ chức Hội Người mù, cho cộng đồng.
Cô gái trẻ cho rằng, khi là người khiếm thị sẽ có những hạn chế nhất định nhưng bản thân Phương Anh sẽ làm việc một cách trách nhiệm và luôn cố gắng hết sức mình… Đó cũng là cách mà những người khiếm thị “Tàn nhưng không phế” luôn áp dụng trong cuộc sống và họ trở thành những tấm gương sáng trong cuộc sống.
Ngày 15/4, Hội Người mù thành phố Hà Nội - Cụm thi đua số 2 tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm “Những tấm gương người khiếm thị tàn nhưng không phế”. Đây là hoạt động kỷ niệm 65 năm Bác Hồ đến thăm trường Thương binh bỏng mắt; 52 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam; 41 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Thông qua hoạt động nhằm ôn lại chặng đường mà người khiếm thị học tập, làm theo lời Bác và biểu dương những tấm gương người khiếm thị tiêu biểu thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” trong các lĩnh vực cuộc sống. Tại chương trình, các hội viên được lắng nghe tham luận của đại biểu; Giao lưu, toạ đàm với hội viên khiếm thị tiêu biểu; Đại diện Quỹ Nhân ái Tạp chí Thương trường trao quà tặng 6 hội viên trình bày tham luận và tham gia giao lưu. |