A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo lừa đảo xin việc, chạy dự án, chiếm đoạt tiền tỉ

Nhiều đối tượng “nổ” có quan hệ với các lãnh đạo tỉnh, có thể xin được việc làm, dự án, mua tài sản thanh lý giá rẻ rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là phương thức lừa đảo không mới nhưng còn nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin, bị lừa mất hàng tỉ đồng.

Cảnh báo lừa đảo xin việc, chạy dự án, chiếm đoạt tiền tỉ

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Thảo (sinh năm 1979, trú P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lừa đảo “chạy việc”, chiếm đoạt gần 3,3 tỉ đồng, nạn nhân là bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Bộ Công an

“Nổ” có quan hệ với lãnh đạo tỉnh

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Ngọc Thạch (sinh năm 1982, ở phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình điều tra ban đầu xác định, từ năm 2018 đến cuối năm 2020, Phạm Ngọc Thạch đưa ra thông tin gian dối bản thân có mối quan hệ với một số lãnh đạo của tỉnh Ninh Bình, có khả năng xin được vào làm việc tại các trường học trên địa bàn tỉnh, xin được một số dự án làm kè đê trên địa bàn huyện Hoa Lư, huyện Kim Sơn; có khả năng mua được tài sản thanh lý của một số trường cao đẳng trên địa bàn với giá rẻ.

Với thủ đoạn đó, Phạm Ngọc Thạch đã lừa được 2 người ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô số tiền 3,8 tỉ đồng để xin việc, xin dự án, góp tiền mua hàng thanh lý… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Phạm Ngọc Thạch không thực hiện được lời hứa, viện mọi lý do để không trả lại tiền cho người bị hại.

Trước đó, vào tháng 6.2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận trường hợp chị N.T.N (ngụ TP Tây Ninh) lên mạng xã hội tìm việc làm và bị đối tượng lừa mất số tiền gần 1 tỉ đồng. Chị N cho biết, do có nhu cầu tìm việc làm, chị lên mạng xã hội Facebook thấy đăng thông tin tuyển nhân sự làm ở ngân hàng VPBank nên đã để lại số điện thoại liên lạc. Sau đó có một phụ nữ tên "Yến Ly" gọi điện đến giới thiệu là nhân viên phòng nhân sự của ngân hàng chi nhánh tại Hà Nội yêu cầu chị N tải ứng dụng “Microsoft teams” để trao đổi thông tin. Chị N sau đó được Yến Ly đưa vào "nhóm 20 sơ tuyển ngân hàng VPBank”.

Trong nhóm này, chị N tiếp tục bị các đối tượng giao nhiệm vụ phải truy cập vào trang web “thudophattrien.com” rồi tạo tài khoản riêng cho chị N thực hiện tiếp các nhiệm vụ như: nạp tiền, rút tiền, đặt lệnh... với lời hứa hẹn được hưởng hoa hồng lớn.

Trước số tiền đầu tư ít nhưng hưởng được lợi nhiều, trong thời gian 2 ngày, chị N đã 8 lần chuyển khoản tổng số tiền 922 triệu đồng cho chúng. Khi thấy số tiền "hoa hồng lớn" (qua tin nhắn chúng thông báo), chị N rút tiền thì bọn chúng đưa ra nhiều lý do như phải đóng thuế; lỗi mạng, nâng cấp tài khoản... để chị N nạp thêm tiền nhưng vẫn không cho chị N rút tiền. Cho đến khi bị chặn liên lạc, chị N mới biết mình đã sập bẫy.

Cẩn trọng với hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao. Ảnh: Bộ Công an

Cẩn trọng với hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao. Ảnh: Bộ Công an

Bộ Công an đưa ra biện pháp phòng tránh lừa đảo việc làm. Ảnh: Bộ Công an

Bộ Công an đưa ra biện pháp phòng tránh lừa đảo việc làm. Ảnh: Bộ Công an

"Không bao giờ có việc nhẹ lương cao"

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian qua, nhiều người lao động, nhất là lao động trẻ mới tham gia vào thị trường lao động chưa có nhiều kinh nghiệm bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng, lừa đảo. Tình trạng này gây méo mó bức tranh tuyển dụng việc làm chung.

Ông Thành lưu ý người lao động khi tìm kiếm bất kỳ công việc nào cũng nên tìm hiểu thật kỹ trước khi đi đến ký kết hợp đồng lao động, từ tính chất công việc, đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. "Khi người lao động được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn không có, đa phần đều là lừa đảo” - ông Thành nhấn mạnh.

Hiện trên thị trường đang có rất nhiều kênh tuyển dụng tìm việc, song điều này cũng tiềm ẩn rủi ro khi không được kiểm chứng. Vì vậy, ông Thành khuyến cáo người lao động cần tìm đến địa chỉ kết nối tìm việc uy tín, đơn cử là hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm.

Về phương thức lừa đảo này, Bộ Công an cũng từng đưa ra nhiều cảnh báo. Theo Bộ Công an, đánh trúng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập từ các công việc online, không mất thời gian đi làm, các đối tượng tạo lập các trang thương mại điện tử giả mạo, lấy danh nghĩa các doanh nghiệp uy tín tuyển cộng tác viên làm việc ngoài giờ, dụ dỗ nạn nhân tham gia đóng trước các khoản tiền tạm ứng để nhận nhiệm vụ hoặc mua các gói nhiệm vụ từ số tiền nhỏ đến số tiền lớn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan