Chiến dịch triệt phá ổ nhóm lừa đảo qua điện thoại ẩn nấp ở Đài Loan
Tháng 2/2021, nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) nhận được thông tin về đường dây lừa đảo nhắm vào các cá nhân ở Singapore. Trong vòng 10 tháng, ban chuyên án có lúc tưởng chừng đã "đứt" manh mối, nhưng họ vẫn kiên trì truy tìm những kẻ đứng đầu.
Cảnh sát đặc nhiệm hình sự Đài Loan xông vào hiện trường từ tầng 3 của ngôi nhà
Đột kích ổ nhóm lừa đảo
Kịch bản thông thường là, những kẻ lừa đảo giả danh cán bộ nhà nước Singapore gọi điện cho "con mồi". "Hồ sơ của chúng tôi cho thấy, cảnh sát Thượng Hải đã phát hiện ra số điện thoại được đăng ký dưới tên của bạn ở Trung Quốc đã được sử dụng để lan truyền tin đồn Covid-19" - đầu dây nói với nạn nhân. Sau đó, "cảnh sát Thượng Hải" sẽ ra mặt, thông báo cho các mục tiêu rằng họ bị nghi ngờ rửa tiền. "Hãy chuyển 20.000 USD có nguồn gốc đáng ngờ đó để chúng tôi điều tra kỹ lưỡng. Bạn phải làm điều này để chứng minh sự vô tội của mình" - những kẻ mạo danh nói qua điện thoại.
Đến tháng 5/2021, cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) xác định được một tổng đài lừa đảo ở tỉnh miền núi Miaoli sau gần 2 tháng truy tìm dấu vết. Đó là một tòa nhà có cửa chính và cửa sổ lúc nào cũng che chắn kỹ. Tai Ming Yu - cảnh sát của tỉnh Miaoli cho biết, phía sau cánh cửa đó là một tổng đài điện thoại lừa đảo có hơn 10 người. Nhóm chuyên án quyết định mở cuộc đột kích ngay bởi các tổng đài lừa đảo này thường xuyên chuyển địa điểm. Nếu bọn chúng chuyển đi nơi khác, cơ quan chức năng sẽ phải bắt đầu điều tra lại từ đầu. "Sự thật là, trước khi đột kích một địa điểm, bạn sẽ không biết có bao nhiêu người bên trong. Bạn cũng không biết điều gì đang xảy ra trong đó… Có thể họ đang lừa đảo nạn nhân hoặc có thể họ đã thực hiện xong vụ lừa đảo và vào thời điểm chúng tôi đột kích, mọi thứ hoàn toàn trống rỗng. Tôi đã gặp tất cả các loại tình huống trước đây" - ông Chuang Chia Wei, Công tố viên trưởng Miaoli chia sẻ.
Vào ngày mở cuộc đột kích, cả đội lên đường từ 5h. Cảnh sát đặc nhiệm được giao nhiệm vụ mở đường đã phải bẻ 7 ổ khóa gắn trên một cánh cửa kim loại. Nghi phạm cố thủ bên trong còn trì hoãn bằng cách đổ nước xà phòng qua khe hở xung quanh cửa bởi vì khi tay trơn trượt, người ta khó cầm được dụng cụ để mở cửa. Tình hình trở nên cấp bách hơn khi các nhân viên an ninh nghe thấy tiếng đập phá từ bên trong. "Điều đầu tiên các nghi phạm nghĩ đến không phải là bỏ chạy mà là nhanh chóng phá hủy một số máy tính và ổ cứng. Nếu tất cả bị tiêu hủy, chúng tôi sẽ không có gì để đưa ra tòa làm bằng chứng" - điều tra viên Huang Chen Chin tại Cục Điều tra hình sự Đài Loan cho biết.
Lực lượng chức năng cuối cùng đã đập vỡ một tấm kính trên tầng 3 sau khi trèo vào từ một ban công của nhà lân cận. Nhưng chỉ trong 5 - 6 phút sau khi phát hiện bị bao vây, các nghi phạm đã kịp thủ tiêu tang chứng. Nhóm đột kích đã tìm thấy khoảng 10 chiếc điện thoại bị phá hủy hoàn toàn. Khi bị thẩm vấn, các nghi phạm khai rằng họ đã đánh bạc nhưng cuối cùng phải thú nhận rằng thực sự làm việc cho một tổng đài điện thoại lừa đảo.
Các nghi phạm đã đập phá điện thoại và các vật dụng khác trước khi cảnh sát ập vào
Hệ thống phân cấp tinh vi
16 đối tượng đã bị tạm giam nhưng các điều tra viên chưa hài lòng vì đó chỉ là những mắt xích cấp thấp, hay còn gọi là những kẻ lừa đảo cấp 1. Đây là những người vừa mới tham gia vào tổ chức và được giao nhiệm vụ đơn giản là gọi càng nhiều số điện thoại càng tốt để cố gắng móc nối nạn nhân. Công tố viên Yao Ting Lin tại Văn phòng Công tố huyện Changhua cho biết, sau khi bị "mắc câu", nạn nhân sẽ được chuyển đến một kẻ lừa đảo cấp 2, tên này sẽ "phân tích" và cố gắng khai thác thông tin như số dư ngân hàng của họ. Những kẻ lừa đảo cấp 3 sẽ ra đòn quyết định, khiến nạn nhân tự nguyện chi tiền. "Họ kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân, vì vậy họ biết tiền của nạn nhân đã được chuyển đến đâu. Đó là lý do tại sao những kẻ lừa đảo cấp 3 là mục tiêu ưu tiên của chúng tôi" - Công tố viên Yao Ting Lin nhấn mạnh.
Vì những kẻ lừa đảo cấp 1 ở Đài Loan không thể khai ra "ông trùm" đứng sau đường dây lừa đảo nên dấu vết đã trở nên nguội lạnh. Cảnh sát đành phải chờ đợi manh mối mới từ các nạn nhân ở Singapore. Vào tháng 10-2021, một cụ bà khoảng 70 tuổi đến ngân hàng cùng một phụ nữ khác ở độ tuổi 20. Cụ bà muốn rút khoản tiền gửi cố định của mình và chuyển tiền sang một tài khoản khác. Toh Shengkai - vị điều tra viên cao cấp thuộc Bộ Chỉ huy Chống lừa đảo của Singapore kể lại, ngân hàng đã cảnh báo cụ bà nói trên. Họ nhanh chóng nhận ra cụ là một nạn nhân bị lừa đảo và dừng việc chuyển tiền kịp thời. Trong khi đó, cảnh sát đã điều tra về cô gái bí ẩn đi cùng với cụ bà, hóa ra cô này cũng là một nạn nhân bị lừa đảo. Thực chất, đường dây lừa đảo không có thành viên hoạt động trực tiếp ở Singapore. Thế nhưng, bọn chúng sai khiến những nạn nhân khác làm cho mình. Nhiệm vụ có thể bao gồm cung cấp các tài liệu để các nạn nhân mới thấy rằng họ đang bị cảnh sát điều tra ở Trung Quốc hay đi cùng các nạn nhân mới đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
Cảnh sát đã cố gắng thu thập thêm thông tin từ cô gái trẻ qua các cuộc điện thoại gọi đến từ Đài Loan. Diễn biến tiếp theo dẫn đến "bước đột phá" của vụ án. Kẻ gọi điện đóng vai một cảnh sát Trung Quốc khiến các nhà điều tra tin rằng anh ta là một kẻ lừa đảo cấp 3. Họ lần theo dấu vết của chiếc điện thoại mà nghi phạm sở hữu đến huyện Changhua. Thay vì đột kích, nhóm điều tra lên phương án là đợi cho đến khi đối tượng lái xe đến một nơi nào đó rồi tóm gọn. Nhưng làm sao để phát hiện chiếc xe cùng mục tiêu cần tìm?
Chiếc xe sang thu hút sự chú ý đặc biệt vì xuất hiện ở khu vực hẻo lánh
Kiên trì truy tìm
Đội chuyên án đã khảo sát khu vực xung quanh và bỗng phát hiện một chiếc siêu xe Maserati. "Một khu vực hẻo lánh như vậy mà đột nhiên có một chiếc xe hơi đắt tiền. Chúng tôi chờ đợi và không mất nhiều thời gian đã xác định được nghi phạm" - cảnh sát Tai Ming Yu kể. Trong khi những kẻ lừa đảo cấp 1 và 2 có thể nhận được khoảng 5% số tiền thu được thì những kẻ lừa đảo cấp 3 được hưởng từ 15-20%. Vì thế, không ngạc nhiên khi những kẻ lừa đảo cấp cao lại có tiền tậu được chiếc Maserati đó. Hôm đó, vụ bắt giữ kẻ lừa đảo cấp 3 không có gì kịch tính, nhưng cảnh sát phát hiện ra vợ của nghi phạm đang ở trong xe. Trong lúc lực lượng chức năng làm việc với đối tượng, cô ta đã xóa toàn bộ điện thoại. "Mọi người đều sợ. Nếu không có dữ liệu trong chiếc điện thoại, chúng tôi sẽ không có bất cứ bằng chứng nào cả, đối tượng chắc chắn sẽ không nhận tội". Nhưng may mắn, cảnh sát phát hiện dưới chân cô vợ là chiếc túi, bên trong có 2 chiếc điện thoại chưa kịp xóa các dữ liệu.
Một vụ bắt giữ khác diễn ra vào tháng 12/2021. Nghi phạm là một người đàn ông khá trẻ, trông rất văn minh, vừa bước ra khỏi nhà của mình ở Đài Trung (thành phố phía Nam tỉnh Miaoli). Người đàn ông phủ nhận mọi thứ, điều đó có nghĩa là cảnh sát cần đưa ra bằng chứng trong vòng 24h hoặc phải thả anh ta. Vì vậy, khi nhìn thấy thông báo "Tôi đã về đến nhà" từ một người gửi ở Singapore hiện lên trên màn hình điện thoại của anh ta, cảnh sát đã gọi cho sĩ quan liên lạc Jay Li Chien Chih đang ở Singapore để báo cho cảnh sát địa phương. Các điều tra viên của Singapore đã khẩn trương đến nơi ở của những người có thể là nạn nhân để xác minh ngay trong đêm. Sự kiên trì của họ đã được đền đáp dù có một chút trở ngại là nạn nhân ban đầu bất hợp tác vì cứ nghĩ rằng các nhân viên cảnh sát là bên lừa đảo. Một sinh viên nước ngoài đến từ Đài Loan cuối cùng đã thừa nhận mình chính là nạn nhân, sau khi bị lừa mất 200.000 đô la Singapore. Sau khi cảnh sát Đài Loan có "bằng chứng xác đáng", đối tượng mới chịu nhận tội.
Đối với mỗi cuộc gọi lừa đảo, có khoảng 100 đối tượng làm việc cùng nhau. Triệt phá tất cả các đường dây này sẽ là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc. "Đuổi theo chúng thật mệt, nhưng mục đích của chúng tôi là ngăn nạn nhân trở thành con mồi tiếp theo" - Đại úy Su Li Tsung của Cục Điều tra Hình sự Đài Loan nói.
Theo Channel News Asia