A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an có được vào cuộc vụ thầy giáo bị tố quấy rối nữ sinh ĐH Thủ đô

Luật sư cho rằng công an có thể vào cuộc xác minh mà không cần yêu cầu của nữ sinh và nhà trường. Nếu có vi phạm, giảng viên có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Ngày 16/8, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh 2 lá đơn gửi hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tố cáo một thầy giáo của cơ sở giáo dục này có hành vi quấy rối, xâm hại 2 nữ sinh viên.

Trong đơn, 2 nữ sinh viên cho biết tại nơi vắng người, thầy giáo tên T. đã có những hành động không chuẩn mực như ôm, hôn, cưỡng bức các nữ sinh.

Ngày 17/8, đại diện Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết đã đình chỉ công tác giảng dạy đối với thầy T. và thành lập tổ kiểm tra để xác minh những nội dung trong đơn tố cáo. Nhà trường chưa đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.

Vậy, nếu tố cáo này là chính xác, nam giảng viên bị xử lý ra sao? Cơ quan công an có được xác minh khi chưa nhận đơn tố cáo của nữ sinh và đề nghị từ nhà trường?

quay roi nu sinh anh 1

Đại học Thủ đô Hà Nội đang xác minh nội dung đơn tố cáo. Ảnh: Hnmu.edu.vn.

Theo dõi sự việc, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết hành vi quấy rối tình dục là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đặc biệt với những người làm nghề giảng dạy. Khi tiếp nhận tố cáo của 2 nữ sinh, Đại học Thủ đô Hà Nội cần nhanh chóng xác minh, kiểm tra thông tin và xử lý những người vi phạm (nếu có) theo quy định.

Nếu có căn cứ nhận định giảng viên đã vi phạm kỷ luật, cần xác định giảng viên này là cán bộ, công chức hay viên chức đang công tác tại trường. Nếu người này là viên chức, theo Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, các hình thức kỷ luật có thể áp dụng là khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc. Trường hợp giảng viên là cán bộ, các biện pháp xử lý là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, còn nếu là công chức, 4 biện pháp có thể áp dụng là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và cao nhất là buộc thôi việc.

Ngoài ra, luật sư Tiền cũng đề cập tới vai trò của cơ quan công an trong vụ việc này. Trích dẫn Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư cho biết khi nhận được nguồn tin về tội phạm, cơ quan công an có thể tiến hành các hoạt động xác minh, kiểm tra thông tin ban đầu. Nguồn tin tội phạm bao gồm tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước; cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc người phạm tội tự thú.

Như vậy, nguồn tin về tội phạm bao gồm tố giác của cá nhân và tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp này, cơ quan công an có thể vào cuộc xác minh, làm rõ tình tiết vụ việc mà không cần đơn tố giác từ nữ sinh hoặc yêu cầu từ phía nhà trường. Quy định này nhằm mục đích không bỏ lọt tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời người phạm tội (nếu có) và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết phương tiện thông tin đại chúng được hiểu là phương tiện thông tin có đối tượng tác động là đông đảo người dân như báo điện tử, báo in, đài truyền hình, đài phát thanh... Việc thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông có thể được coi là nguồn tin về tội phạm và cơ quan công an có thể vào cuộc nếu xét thấy cần thiết mà không cần yêu cầu từ 2 nữ sinh hoặc nhà trường.

Các luật sư cho rằng trường hợp không có yêu cầu của nữ sinh và nhà trường, công an vẫn có thể vào cuộc xác minh, làm rõ các nội dung trong đơn tố cáo. Ảnh: Hnmu.edu.vn.

Bình luận về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong trường hợp này, luật sư Hùng cho rằng tùy thuộc tính chất và mức độ hành vi của giảng viên (nếu có), người này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi quấy rối tình dục hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Quấy rối tình dục có thể biểu hiện dưới nhiều hành vi. Đó có thể là các hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình động chạm không mong muốn; sờ mó, ôm ấp, tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm; các hành vi bằng lời nói như buông lời gạ gẫm, nhận xét khiếm nhã, không phù hợp, có ngụ ý về tình dục, nhận xét về trang phục, cơ thể người khác hay các hành vi phi lời nói như khiêu khích bằng ngôn ngữ cơ thể, đánh mắt đưa tình, phô bày tài liệu khiêu dâm hay các hành động không đứng đắn khác... Trường hợp hành vi được xác định nằm trong nhóm này, nam giảng viên có thể bị xử phạt 5-8 triệu đồng về hành vi quấy rối tình dục theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ", luật sư phân tích.

Về chế tài hình sự, pháp luật không quy định tội liên quan đến hành vi quấy rối tình dục mà chỉ có yếu tố cấu thành các tội như dâm ô, hiếp dâm hay cưỡng dâm.

Để chứng minh hành vi vi phạm của giảng viên, bên cạnh đơn tố cáo, 2 nữ sinh cần cung cấp các chứng cứ chứng minh mình bị quấy rối tình dục như file ghi âm, trích xuất camera hay lời khai của nhân chứng và người liên quan. Trường hợp việc tự thu thập chứng cứ gặp khó khăn, cơ quan chức năng có thể hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy tố cáo của 2 nữ sinh là không chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo, nam giảng viên có quyền yêu cầu 2 nữ sinh cũng như nhà trường bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, theo Điều 592 Bộ luật này, các khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị giảm sút khi bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy tại trường và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan