Đang xét xử vụ giang hồ nổ súng làm 8 người thương vong ở Phú Quốc
Thời gian xét xử và tuyên án 70 bị cáo dự kiến diễn ra trong khoảng 15 ngày, trong đó có 50 bị cáo bị truy tố tội "Giết người" ở Phú Quốc.
Phiên tòa có đến 70 bị cáo, hàng chục người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; hàng chục luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo; đại diện hợp pháp của bị hại, người làm chứng... nên phải sử dụng hội trường có sức chức khoảng 500 người của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang để xét xử
Sáng 22-1, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử 70 bị cáo trong vụ giang hồ nổ súng tranh chấp đất ở Phú Quốc làm 8 người thương vong.
Các bị cáo phạm các tội: Giết người; Gây rối trật tự công cộng; Che giấu tội phạm; Tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Đây là vụ án gây chấn động dư luận xảy ra tại ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào ngày 27-10-2022.
Theo cáo trạng, ông Ngụy Văn Khiếu bán cho ông Khúc Văn Đoài khoảng 22.000m2 đất tại ấp Bến Tràm với giá 11 tỉ đồng. Đoài trả trước cho ông Khiếu 1,1 tỉ đồng, số còn lại không trả nên phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.
Sau khi mua đất của ông Khiếu, ông Đoài đã phân lô, bán cho nhiều người xây nhà, trong đó có Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Thìn, Chử Hoàng Nam…
Năm 2021, ông Khiếu nhờ vợ chồng Nguyễn Thị Bích Chi và Nguyễn Văn Tuấn tìm cách đòi lại tiền. Tuấn và Chi giới thiệu ông Khiếu gặp luật sư Đỗ Thị Ánh Hường ký hợp đồng giải quyết tranh chấp với thù lao ứng trước 250 triệu đồng và 50% giá trị đất khi xong việc.
Bị cáo Nguyễn Văn Thái (Thái Bus)
Theo kế hoạch, bà Hường sẽ làm thủ tục xin cấp lại giấy tờ thửa đất cho ông Khiếu để làm cơ sở giải quyết tranh chấp, cho nên bắt buộc phải đo đạc, xác định vị trí đất.
Nhiều lần bà Hường và Chi đưa người đến đo đạc nhưng không được, do bị ông Đoài và Trường ngăn cản.
Bị cáo Đoàn Thiên Long tại phiên tòa
Bị cáo Đoàn Thiên Long lúc bị bắt
Khoảng tháng 6-2022, bà Hường biết Phạm Anh Hiếu là người có "quan hệ rộng", chuyên làm dịch vụ để được cấp sổ đỏ cho các thửa đất ở TP Phú Quốc nên cùng với Chi đến gặp Hiếu nhờ vả.
Sau khi nghe Hiếu nói việc đo vẽ đất rất đơn giản, thì bà Hường nói cho Hiếu biết thửa đất liên quan đến Đoài, là đàn em của một đối tượng xã hội ở TP Phú Quốc và có người đỡ đầu. Lúc này Hiếu nói: "Thằng Đoài tuổi gì, người đỡ đầu cho thằng Đoài cũng chưa là cái gì" nên bà Hường đồng ý nhờ Hiếu thực hiện việc đo đạc.
Sau khi nhận lời của bà Hường và tìm hiểu rõ về đối tượng tranh chấp, Hiếu liên hệ Nguyễn Văn Thái (tức Thái Bus) nhờ bảo kê, rào đất, cắt cử người canh giữ đến khi đo đạc và làm xong giấy tờ.
Sau khi chốt giá "kèo làm đất" 4 tỉ đồng, biết nhóm mình không thể thực hiện được yêu cầu của Hiếu nên Thái đã rủ thêm các đối tượng chuyên tập trung giang hồ bảo kê giành đất, giữ đất tranh chấp là Nguyễn Quốc Vinh, Võ Văn Lương, Bùi Đức Ngọc, Đoàn Thiên Long, Nguyễn Văn Quá cùng một số băng nhóm khác tham gia.
Khoảng 8 giờ ngày 27-10-2022, trên 70 đối tượng chuẩn bị sẵn hung khí tập hợp tại nhà Bùi Minh Trung (tức Trung Cà Mau) ở ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.
Bị cáo Phạm Anh Hiếu
Sau khi thăm dò địa hình, các đối tượng nhận định thửa đất nằm trong đường cùng, sẽ có vào không có ra nếu bị bên Đoài chặn đánh. Mặt khá, nếu có đo vẽ được sơ đồ đất thì cũng không thể rào được đất và không ai dám xung phong vào giữ đất vì đây là địa bàn của Nguyễn Văn Trường, Khú Văn Đoài và nhóm Nông Trường.
Sau khi bàn bạc, Trung nói: "Cứ cho anh em vào đo, thằng Đoài thấy quân như thế này sẽ gọi cho anh để đem giấy tờ đất ra đàm phán". Trước khi cả nhóm lên đường, Trung còn dùng điện thoại quay nhiều cảnh của "cuộc họp".
Để tránh đánh, chém, bắn nhầm người cùng nhóm và lên nhầm xe đối thủ, các bị cáo thống nhất đeo khẩu trang đen, đội nón đen, găng tay và mua hoa cúc vàng cắm trước đầu ô tô để nhận dạng.
Trưa cùng ngày, hơn 50 giang hồ cùng Hiếu, vợ chồng Chi, Tuấn đi trên 12 ô tô loại 7 chỗ và 16 chỗ, mang theo nhiều hung khí và 3 khẩu súng... đến thửa đất tranh chấp.
Theo kế hoạch, nhóm cho 3 xe dẫn đầu gần 20 người xông vào khu đất, trong khi những người còn lại chia thành 2 nhóm mai phục vòng ngoài, sẵn sàng ập vào tiếp ứng, chặn quân chi viện của đối phương và cảnh giới khi có công an.
Một vài đàn em cũng được giao nhiệm vụ thám thính tại trụ sở Công an TP Phú Quốc và Công an xã Cửa Dương nếu cảnh sát xuất quân đến hiện trường sẽ báo cho đồng bọn bỏ vũ khí, rút lui.
Một số hình ảnh tại phiên tòa
Hay tin có người vào đo đất, Đoài một mình lái xe về đậu chắn trước đầu đoàn xe nhóm đối thủ. Trường cũng huy động hơn 20 đàn em về tiếp ứng. Trong lúc 2 bên xảy ra tranh cãi, Đoài điện thoại cho công an và phó chủ tịch xã Cửa Dương báo tình hình và nhờ chính quyền xuống can thiệp.
Lúc này, biết các đối tượng là đàn em của Trung nên Đoài điện thoại cho Trung hỏi: "Sao anh cho anh em xuống đo đất của em?". Trung nói không biết đất của Đoài, nếu Đoài có giấy tờ thì mang ra gặp giải quyết. Sau đó, Đoài và Trung thống nhất chiều cùng ngày 2 bên mang giấy tờ ra giải quyết.
Khi nhóm đàn em của Trung chuẩn bị rút quân, Trường lớn tiếng cảnh cáo: "Lần đầu tao bỏ qua, lần sau đến đo kiểu này coi chừng không có đường về". Thấy ô tô của Đoài chắn đường, một số đối tượng xuống đẩy xe của Đoài ra thì bị nhóm Đoài và Trường cầm gạch tấn công. Thái gọi cho các nhóm bên ngoài vào hỗ trợ.
Lúc này, Nguyễn Văn Quá cầm súng chạy vào hỏi: "Chơi chưa? Chơi chưa?", rồi bắn nhiều phát để thị uy. Tiếng súng đánh động hơn 50 đối tượng cảnh giới bên ngoài ập vào tấn công nhóm của Đoài, Trường gây náo loạn cả khu vực.
Trong lúc truy đuổi, Đoàn Thiên Long dùng súng hoa cải bắn nhiều phát vào nhóm đối phương khiến Phan Trọng Hải (24 tuổi) và Nguyễn Anh Thư (26 tuổi) tử vong; Trường và 5 người khác bị thương nặng.
Sau khi vụ nổ súng xảy ra, công an đã chặn bắt nhiều đối tượng đang trên đường tẩu thoát và truy bắt thêm nhiều đối tượng lẩn trốn.
VKSND tỉnh Kiên Giang truy tố 50 bị can về tội "Giết người", khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó, Thái Bus, Phạm Anh Hiếu, Nguyễn Quốc Vinh, Bùi Đức Ngọc, Nguyễn Văn Hóa, Trung Cà Mau, Võ Văn Lương, Huỳnh Văn Hận có vai trò cầm đầu; những người còn lại có vai trò giúp sức.
Ngoài tội "Giết người", một số bị can còn bị truy tố thêm tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng", "Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng", "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". 13 bị can bị truy tố tội "Gây rối trật tự công cộng"; 6 bị can bị truy tố về tội "Che giấu tội phạm"…
Ngoài ra, công an đang tiếp tục truy bắt khoảng 30 người xuất hiện trong video do Trung Cà Mau quay lại tại "cuộc họp" và bị nhận dạng có mặt tại hiện trường vụ nổ súng nhưng chỉ biết biệt danh giang hồ, không rõ nhân thân, lai lịch.