Đề nghị phạt 35 triệu đồng tài xế say rượu lái ôtô đâm CSGT ở Hòa Bình
Đội CSGT-TT Công an TP Hòa Bình đã chuyển hồ sơ tới Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn, lái ôtô đâm thẳng vào CSGT.
Tài xế Đỗ Đình Tám tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Hòa Bình.
Ngày 13/2, trao đổi với Zing, chỉ huy Đội CSGT-TT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị đã hoàn tất các thủ tục và chuyển hồ sơ đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với tài xế Đỗ Đình Tám (sinh năm 1957, trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình). Ông Tám là tài xế vi phạm nồng độ cồn, chống người thi hành công vụ khiến một chiến sĩ CSGT bị thương xảy ra ngày 2/2.
Theo chỉ huy Đội CSGT-TT Công an TP Hòa Bình, căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với nồng độ cồn ở mức 1,163 mg/l khí thở, tài xế Tám bị xử phạt ở mức ở khung cao nhất với số tiền 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Trước đó, ngày 3/2, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình đã khởi tố bị can đối với Đỗ Đình Tám về tội chống người thi hành công vụ.
Trưa 2/2, tổ công tác của Đội CSGT-TT Công an TP Hòa Bình làm nhiệm vụ tại quốc lộ 70 (phường Tân Hòa, TP Hòa Bình). Khoảng 11h, cảnh sát dừng ôtô biển số 28A đi hướng TP Hòa Bình - xã Yên Mông để kiểm soát. Tài xế này không chấp hành mà quay đầu bỏ chạy.
CSGT tiếp tục ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng tài xế lao thẳng vào người trung úy Ngô Văn Thịnh và thượng úy Bùi Văn Thái. Hai cảnh sát sau đó đã kịp né tránh để không xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Chiếc ôtô chỉ dừng lại sau khi tông trúng môtô của lực lượng chức năng tại chốt kiểm tra.
Lúc này, trên ôtô có tài xế Đỗ Đình Tám (sinh năm 1957, ở Hòa Bình) và chị Đ.T.M.N. (sinh năm 1978). Cảnh sát cho biết sau khi ôtô dừng lại, chị N. xuống xe, còn nam tài xế tiếp tục ở trên phương tiện và dùng lời lẽ xúc phạm tổ công tác.
Người đàn ông sau đó lao xuống ôtô, túm cổ áo và vật ngã thượng úy Vũ Huy Thành khiến nam cảnh sát bị rạn đốt xương ngón tay và tổn thương phần mềm, phải nhập viện điều trị.
Kết quả kiểm tra cho thấy ông Tám có nồng độ cồn ở mức 1,163 mg/l khí thở. Mức vi phạm này gấp gần 3 lần mức xử lý kịch khung quy định tại Nghị định 100 (0,4 mg/l khí thở).