A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số phận pháp lý của tài xế gây tai nạn liên hoàn ở Hà Nội

Theo luật sư, tổng mức độ thương tật của các nạn nhân sẽ là căn cứ xác định tình tiết định khung đối với ông Vĩnh trong trường hợp người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chiều 5/4, ông Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) điều khiển ôtô tông trúng 17 xe máy tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sự việc khiến 18 người bị thương, trong đó có 2 nạn nhân tiên lượng rất nặng.

Cơ quan chức năng cho biết ông Vĩnh chở vợ từ nhà đến Bệnh viện Tim Hà Nội trên đường Võ Chí Công để khám bệnh. Khi lái xe về, tài xế đạp nhầm chân ga nên gây tai nạn. Công an đã khởi tố vụ án, bị tạm giữ hình sự ông Vĩnh để điều tra hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Với việc gây ra thiệt hại về sức khỏe và tài sản của người khác, tài xế này phải chịu trách lý ra sao?

oto tong 17 xe may anh 1

Chiếc xe gây tai nạn tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công. Ảnh: Thành Đông.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hưng Yên) đánh giá đây là sự việc thương tâm, gây thiệt hại lớn về sức khỏe con người và tài sản. Sau khi ông Vĩnh đã bị tạm giữ, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là yếu tố lỗi của tài xế ôtô.

"Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu hiện trường, dữ liệu hành trình ôtô, từ đó xác định đây hoàn toàn là lỗi do kỹ thuật hay con người. Nếu yếu tố lỗi hoàn toàn do kỹ thuật (xe mất phanh, kẹt chân ga... không thể khắc phục), đây được coi là sự kiện bất khả kháng và tài xế có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu nguyên nhân sự việc do yếu tố lỗi từ con người (đập nhầm chân ga, mất tập trung, thiếu quan sát...), tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường dân sự cho các nạn nhân", luật sư phân tích.

Ông Quynh cho biết theo Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tình huống này sẽ chỉ được coi là sự kiện bất khả kháng nếu việc xe mất lái xảy ra bất ngờ, không thể lường trước, tài xế đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể ngăn hậu quả xảy ra.

Trường hợp đây không phải sự kiện bất khả kháng, tài xế có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản bị xâm phạm cho người khác theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Cơ quan chức năng sẽ giám định, xác định chính xác mức độ thiệt hại về sức khỏe và tài sản của các nạn nhân. Đây sẽ là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, Điều 601 Bộ luật này cũng quy định chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Việc bồi thường phải diễn ra kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

oto tong 17 xe may anh 2

Tài xế Vĩnh tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Hà Nội.

Dưới góc độ hình sự, luật sư cho biết theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người nào vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả làm chết người; tổn hại cho sức khỏe người khác từ 61% trở lên; tổn hại sức khỏe từ 2 người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật tối thiểu 61% hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức phạt áp dụng là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Trường hợp làm chết từ 2 người trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên hay gây tổn hại sức khỏe từ 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ thương tật tối thiểu ở mức 122%, khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội sẽ ở mức từ 3 năm đến 15 năm tù, tùy thuộc các tình tiết định khung.

Như vậy, ngoài việc điều tra làm rõ yếu tố lỗi trong vụ án, cơ quan chức năng sẽ giám định mức độ thương tật của các nạn nhân và thiệt hại về tài sản. Đó là căn cứ định khung đối với tài xế.

Cũng theo ông Quynh, theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, người bị buộc tội có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nếu tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; tự thú hoặc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Luật sư cho rằng ông Vĩnh cùng gia đình nên chủ động, tự nguyện liên hệ để bồi thường, khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân cũng như phối hợp với cơ quan điều tra để có thể được xem xét các tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


Tác giả: Hoàng Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan