A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), đánh dấu một bước đi quan trọng để Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng bền vững.

Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo về quá trình xây dựng dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi). Ảnh TTXVN

Sau 15 năm thi hành, Luật SDNLTK&HQ ban hành năm 2010 đã góp phần hình thành nhận thức và hành động của cả xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển nhanh chóng cùng yêu cầu hội nhập đã khiến nhiều quy định của luật bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cần sửa đổi luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tăng hiệu lực quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự thảo sửa đổi là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý. Bộ Công Thương đã rà soát kỹ lưỡng các điều khoản để cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó là đề xuất rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đồng thuận cao với đề xuất sửa đổi luật. Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng, Việt Nam cần có khung pháp lý mạnh mẽ hơn để thúc đẩy mô hình sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, nhất là trong bối cảnh thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.

Đặc biệt, dự thảo luật lần này đưa ra các đề xuất liên quan đến việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng, quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng và thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ. Những nội dung này đều nhận được sự quan tâm lớn bởi có tác động trực tiếp đến thị trường và hành vi tiêu dùng. Dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng - nếu được triển khai đúng lộ trình và có hệ thống kiểm định, truyền thông hỗ trợ - sẽ tạo ra thay đổi lớn trong ngành xây dựng, vốn đang tiêu thụ năng lượng rất cao.

Về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn hai quan điểm khác nhau được đưa ra: Một cho rằng cần nghiên cứu kỹ để tránh xung đột với Luật Ngân sách và các quy định hiện hành; quan điểm còn lại tán thành việc đưa quy định này vào luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW và tạo công cụ tài chính hỗ trợ thực hiện cam kết khí hậu. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thiên về phương án thứ hai, nhưng yêu cầu cần có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế vận hành và mục tiêu sử dụng quỹ.

Tại dự thảo luật, mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng được đánh giá là điểm mới nổi bật. Đây là loại hình doanh nghiệp hoạt động theo mô hình đầu tư trước - tiết kiệm sau, nghĩa là doanh nghiệp đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng cho cơ sở sử dụng, sau đó thu hồi vốn từ phần năng lượng được tiết kiệm. Trên thế giới, mô hình này đã chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ESCO vẫn còn manh mún, thiếu hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ. Việc đưa mô hình này vào luật sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển ngành tiết kiệm năng lượng.

Rõ ràng, sửa đổi Luật SDNLTK&HQ không chỉ đơn thuần là điều chỉnh một số quy định kỹ thuật, mà còn mang tính chiến lược dài hạn, đặt nền móng cho mô hình phát triển xanh, bền vững. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút các nguồn lực quốc tế về tài chính xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng - nhưng điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu chúng ta có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định.

Sửa đổi Luật SDNLTK&HQ là điều kiện tiên quyết để đưa các cam kết khí hậu vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và người dân được thụ hưởng môi trường sống tốt hơn. Đây là thời điểm cần sự đồng thuận cao giữa cơ quan lập pháp, Chính phủ và toàn xã hội để đưa luật vào thực thi hiệu quả - vì một tương lai năng lượng bền vững cho Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật