A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ nữ sinh tử vong: Hình phạt nào cho vợ và chú của người gây tai nạn

Theo luật sư, vợ và chú của bị can Hoàng Văn Minh (38 tuổi) đã có hành vi vi phạm vào Điều 382 BLHS 2015. Ngoài ra, người chú có thể bị khởi tố thêm về tội không tố giác tội phạm.

Ngày 28/11, Cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3 (Quân chủng Phòng không Không quân) đã khởi tố bà Huỳnh Thị Kim Hằng (34 tuổi, ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm) và ông Phạm Văn Võ (50 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) để điều tra cùng về tội Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.

Huỳnh Thị Kim Hằng là vợ của cựu thiếu tá Hoàng Văn Minh (38 tuổi, trợ lý Tài chính thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn 370), người đã bị khởi tố trước đó liên quan vụ nữ sinh lớp 12 tử vong sau tai nạn giao thông.

Còn ông Phạm Văn Võ được xác định khi xảy ra vụ tai nạn, bị can này đã đứng ra nhận mình là tài xế ôtô gây ra vụ việc. Sau đó, cơ quan điều tra xác định Hoàng Văn Minh mới là tài xế.

Sáng 28/6, ông Hoàng Văn Minh điều khiển ôtô mang biển kiểm soát 85A-074.07 hướng Công viên biển Bình Sơn đi Quảng trường 16 Tháng 4. Khi rẽ phải vào Ngân hàng, xe này va chạm với xe máy do em Hồ Hoàng Anh (18 tuổi) điều khiển. Sau va chạm, nữ sinh tử vong.

nu sinh tu vong anh 1

Hiện trường vụ tai nạn.

Cơ quan điều tra nhận định nạn nhân chết do chấn thương sọ não. Ngày 7/8, Cơ quan điều tra Hình sự khu vực 3 khởi tố vụ án để điều tra. Ba ngày sau, Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3 khởi tố vụ bị can, bắt tạm giam Hoàng Văn Minh về tội Vi phạm các quy định về tham gia đường bộ.

Trường hợp này, bà Huỳnh Thị Kim Hằng và ông Phạm Văn Võ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với Zing về vụ việc, tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thành Tô cho rằng hành vi cung cấp thông tin tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối là hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án có thể làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật như bịa đặt ra những tin tức về sự việc phạm tội, về nhân thân người phạm tội hoặc các tình tiết khác vụ án; cung cấp những tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan thi hành tố tụng mà biết rõ sai sự thật; phủ nhận những tài liệu, chứng cứ mà biết rõ là đúng sự thật. Đối với hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người làm chứng đã đọc lại biên bản lấy lời khai hoặc trình bày lời khai gian dối tại phiên tòa và ký vào biên bản đó.

Theo luật sư Tô, Điều 382 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định người thực hiện hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

"Trường hợp cơ quan điều tra nếu có đủ căn cứ để chứng minh hành vi khai báo gian dối này là có tổ chức hoặc dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch, có thể bị phạt tù 1-3 năm.

Nếu hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật mà khiến dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc phạm tội 2 lần trở lên, người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt tới 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm", luật sư Tô nhận định.

Trong vụ án này, luật sư Tô cho rằng việc xác định hành vi là có tổ chức hay không và hậu quả đã dẫn đến việc sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc hay chưa, có dẫn đến bỏ lọt tội phạm hay không là yếu tố quan trọng để quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Ngoài ra, luật sư Tô cho biết người chú nhận tội thay, có thể sẽ bị khởi tố thêm về tội Không tố giác tội phạm theo Điều 390 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo điều luật này, người nào biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này, nên người vợ thuộc trường hợp đặc biệt và không bị khởi tố thêm về tội này", luật sư Tô phân tích.


Tác giả: Thư Bích Ngọc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật