A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghi nhận góp ý từ người dân, Hội An điều chỉnh màu sơn Chùa Cầu sau trùng tu

Chùa Cầu - công trình hơn 400 năm tuổi, được xem như biểu tượng của Hội An, nhưng sau khi trùng tu, diện mạo mới vừa lộ diện đã khiến nhiều du khách bất ngờ, phản đối. Lãnh đạo TP Hội An cho biết, sẽ điều chỉnh màu, sơn lại, “làm cũ” công trình Chùa Cầu trước khi khánh thành.

Ghi nhận góp ý từ người dân, Hội An điều chỉnh màu sơn Chùa Cầu sau trùng tu

Chùa Cầu sau trùng tu. Ảnh: Trương Văn Trực

Đang trùng tu vẫn mở cửa công khai để lắng nghe góp ý

Trả lời Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (hơn 400 năm tuổi) đã hoàn thành sau hơn 1,5 năm trùng tu và dự kiến sẽ khánh thành, mở cửa đón khách từ ngày 3.8.

Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 20,2 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.
Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Đáng chú ý, dự án khởi công cuối tháng 12.2022, dự kiến hoàn thành sau 1 năm, nhưng đã được gia hạn thêm thời gian để tham vấn ý kiến chuyên gia và cộng đồng. Bởi tính chất quan trọng của di tích Chùa Cầu - được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, mang dấu ấn mối bang giao với Nhật Bản.

“Có thể nói, đây là công trình duy nhất trên cả nước mà trong quá trình trùng tu, công khai để mọi người dân và các chuyên gia đến xem, giám sát, góp ý. Điều này, thể hiện sự cầu thị của Hội An và cũng là nguyên tắc trong quá trình trùng tu, phải công khai, minh bạch” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, dự án trùng tu nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, đặc biệt là có sự tham gia tư vấn rất chi tiết của nhiều chuyên gia Nhật Bản và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Giữ gìn tối đa yếu tố gốc

Những ngày qua, bên cạnh sự háo hức của du khách trước diện mạo mới, bắt mắt của Chùa Cầu - Hội An, cũng có ý kiến cho rằng, công trình sau khi trùng tu đã mất đi vẻ cổ kính, trầm mặc vốn có trước đây.

“Chùa Cầu sau khi trùng tu có phần xa lạ so với trước đây, bởi nước sơn mới, đậm màu, nổi bật, khiến tôi cảm giác không còn vẻ cổ kính của một di tích hơn 400 năm tuổi”, anh T.V.T (một người dân ở TP Đà Nẵng) nhận xét.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An - ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, đây là ý kiến đóng góp chính đáng. Chúng tôi sẽ cho sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình.

Trước dư luận này, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho hay, Chùa Cầu tuy mới nhưng vẫn giữ lại tối đa các yếu tố gốc, từ vật liệu cho đến kết cấu, màu sơn…

Nguyên lãnh đạo TP Hội An, ông Nguyễn Sự cho biết: “Sau khi có nhiều ý kiến phản đối, tôi đã trực tiếp đến Chùa Cầu, xem thật kỹ. Thấy dân phản ứng vậy là đúng. Màu hơi thái quá, đậm so với bản gốc. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi của trùng tu thì đảm bảo”.

Hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn thành tập sách “Tu bổ di tích Chùa Cầu”, phát hành trong dịp khánh thành ngày 3.8. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy di tích này trong tương lai. Đồng thời, giúp cộng đồng có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan