A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Campuchia đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất ngoài ngành may mặc

Tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất ngoài may mặc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Điều này cho thấy sản xuất ngoài ngành may mặc của Vương quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và thể hiện sự đa dạng hóa ngành của quốc gia Đông Nam Á này.

Thủ tướng Hun Manet cho biết, vào năm 2000 xuất khẩu hàng may mặc chiếm 91% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng sang năm 2022 đã giảm xuống còn 62%. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu ngoài hàng may mặc đã tăng từ mức chỉ 9% lên 38% trong giai đoạn đó.

Phát biểu tại Hội nghị về Triển vọng Campuchia năm 2023 được tổ chức hôm 23/11, Thủ tướng cho biết: “Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ của chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu, Campuchia đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu. Theo đó, khoảng 1/3 cơ cấu xuất khẩu đang dần chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng may mặc”.

Ông Heng Sokkung , Quốc vụ khanh Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia, cho biết, xuất khẩu mặt hàng ngoài ngành may mặc của Campuchia đã tăng đáng kể, phản ánh sự thành công của đất nước trong việc đa dạng hóa danh mục xuất khẩu ngoài hàng dệt may.

Phát biểu trên trang Khmer Times, ông Sokkung cho biết: “Chính sách phát triển công nghiệp Campuchia giai đoạn 2015-2025 đã thúc đẩy đầu tư vào công nghệ trong chuỗi sản xuất. Qua đó, chúng tôi đã tức thời chứng kiến ​​sự gia tăng trong xuất khẩu các sản phẩm sản xuất ngoài hàng may mặc”.

Campuchia xuất khẩu nhiều loại sản phẩm ngoài mặt hàng may mặc như linh kiện điện tử, xe đạp, phụ tùng ô tô, đồ nội thất, da, nhựa và các sản phẩm công nghiệp khác. Các sản phẩm này đa số được các nhà máy tại các đặc khu kinh tế sản xuất. Các thị trường chính những sản phẩm ngoài may mặc của Campuchia là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Thái Lan.

Ông Sokkung nói thêm: “Không chỉ thu hút đầu tư vào lĩnh vực may mặc mà Chính phủ còn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất ngoài may mặc, bao gồm lắp ráp xe và linh kiện điện tử”.

Tại buổi gặp gỡ công nhân ngành may mặc gần đây, Thủ tướng Hun Manet cho biết: “Chính phủ sẽ thực hiện những cải cách và chính sách thu hút đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân và góp phần tăng trưởng kinh tế”.

Kim ngạch xuất khẩu của Campuchia hơn 18.59 tỷ USD, tăng 0.2% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE), ngành may mặc, giày dép và mặt hàng du lịch mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Vương quốc. Lĩnh vực này có khoảng 1,133 nhà máy và cơ sở sản xuất, thuê mướn khoảng 840,000 công nhân trong nước, chủ yếu là lao động.


Tác giả: Khai Tâm (Theo Khmer Times)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật