A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao tỉ phú Warren Buffett đặt cược lớn vào hãng chip TSMC của Đài Loan?

Trong khi Công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek quyết định cắt lỗ khoản đầu tư ở Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett lại rót 4,1 tỉ đô Mỹ vào nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới này. Temasek có thể đã lo ngại trước triển vọng kinh doanh ảm đảm của ngành bán dẫn khi nhu cầu chip đang giảm nhanh. Nhưng tỉ phú Buffett cũng có lý khi đặt cược vào tiềm năng dài hạn vẫn rất sáng sủa của ngành bán dẫn.

 

Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett đã mua hơn 60 triệu cổ phiếu của TSMC, trị giá hơn 4,1 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: The Street

Cuối ngày 14-11, trong bản công bố thông tin nộp cho Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), Berkshire Hathaway cho biết trong quí 3 đã mua hơn 60 triệu cổ phiếu của TSMC, trị giá hơn 4,1 tỉ đô la Mỹ, tương đương 1,2% lượng cổ phần của công ty này.

Cùng ngày, Công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek thông bán đã toàn bộ cổ phần ở TSMC trong quí tính đến ngày 30-9. Giá trung bình cổ phiếu TSMC ở Mỹ  trong quí 3 giảm xuống mức 68,56 đô la Mỹ so với với chi phí trung bình 104,26 đô la Mỹ mà Temasek đã bỏ ra để mua mỗi cổ phiếu TSMC trong quí 1. Điều này có nghĩa là Temasek đã quyết định cắt lỗ.

Khoản đầu tư vào TSMC đánh đánh dấu bước thâm nhập mới nhất của tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch Berkshire Hathaway, vào ngành công nghệ.

Trong nhiều năm, Berkshire Hathaway hầu như tránh mua cổ phiếu công nghệ. Trên thực tế, trong báo cáo thường niên năm 2008 của Berkshire Hathaway, Buffett thừa nhận ông thích các doanh nghiệp đơn giản. Ông nói: “Nếu có nhiều công nghệ, chúng tôi sẽ không hiểu nó”.

Nhưng trong những năm tiếp theo, quan điểm của Buffett về công nghệ đã thay đổi đáng kể. Berkshire Hathaway đã thực hiện một trong những bước đột phá lớn nhất vào lĩnh vực này vào năm 2016, khi tiết lộ rằng tập đoàn đang nắm số cổ phiếu Apple trị giá gần 1 tỉ đô la Mỹ. Nhà sản xuất iPhone hiện là khoản đầu tư lớn nhất của Berkshire Hathaway. Tập đoàn này cũng có cổ phần trị giá khoảng 1 tỉ đô la Mỹ ở Amazon.com, tính đến cuối quí 3. Và việc mua hơn 60 triệu cổ phiếu của TSMC đã đưa nhà sản xuất chip của Đài Loan vào top 10 cổ phiếu được Berkshire Hathaway nắm giữ nhiều nhất.

Đón nhận thông tin tích cực, cổ phiếu TSMC ở New York đã tăng vọt 11% vào hôm 15-11. Đây là mức tăng giá mạnh nhất trong một ngày của cổ phiếu TSMC kể từ năm 2020.

“TSMC hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư có xu hướng mua và nắm giữ cổ phiếu của TSMC,” người phát ngôn Nina Kao của TSMC cho biết.

Thời điểm đầu tư cổ phiếu TSMC của Berkshire Hathaway rất đáng chú ý. Sau khi ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang đối mặt với triển vọng u ám. Các hãng chip từ Samsung cho đến Intel đang chạy đua cắt giảm chi phí, giảm sản lượng và hạn chế các kế hoạch chi tiêu đầu tư ngắn hạn để ứng phó với nhu cầu đang sụt giảm nhanh.

TSMC cũng không tránh khỏi những áp lực đó. Giá cổ phiếu TSMC đã giảm 43% so với mức cao kỷ lục được thiết lập hồi tháng 1.

Tuy nhiên, các lãnh đạo ngành chip vẫn lạc quan về nhu cầu trong dài hạn đối với các sản phẩm của họ. Doanh số chip toàn cầu được dự báo ​​tăng gần gấp đôi, lên hơn 1 nghìn tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong thập niên tới nhờ công suất cải thiện và các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ dành cho việc xây dựng nhà máy chip ở Mỹ và châu Âu. TSMC cũng là nhà cung cấp chip chính cho Apple. Tỉ phú Buffett từng mô tả nhà sản xuất iPhone là doanh nghiệp quan trọng thứ hai của Berkshire Hathaway, sau đơn vị bảo hiểm của tập đoàn này.

Cathy Seifert, nhà phân tích của CFRA Research, nói: “Có một quan điểm cho rằng chúng ta đang ở gần mức đáy đối với cổ phiếu chip. Theo Seifert, TSMC được nhiều người coi là nhà sản xuất chip hàng đầu và quan trọng của thế giới, do vậy, quyết định đặt cược vào TSMC là hợp lý đối với Berkshire Hathaway. TSMC hiện chiếm khoảng 90% nguồn cung chip siêu cao cấp của thế giới. Các chip siêu cao cấp rất khó sản xuất do chi phí phát triển lớn và cần năng lực chuyên môn cao. Điều này có nghĩa là hoạt động sản xuất chúng vẫn phải phụ thuộc vào một số ít công ty bao gồm TSMC.

John Blank, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Công ty Zacks Investment Research, cho rằng quyết định đầu tư vào TSMC của tỉ phú Buffett có lẽ hơi vội vã vì ông có thể chờ đợi thêm nữa để mua với giá thấp hơn trong bối cảnh cổ phiếu ngành chip vẫn đang chịu áp lực giảm giá.

Tuy nhiên, Blank cũng thừa nhận rằng nhà đầu tư huyền thoại 92 tuổi này không quan tâm đến việc mua đúng đáy như các nhà đầu tư khác nếu xét về tầm nhìn dài hạn của Berkshire Hathaway.

Khoản đầu tư của Berkshire Hathaway cũng sẽ được hưởng lợi từ bất kỳ khả năng hạ nhiệt căng thẳng nào giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trụ sở chính của TSMC nằm ở Đài Loan, một hòn đảo có hơn 23 triệu cư dân. Dù TSMC đã lên kế hoạch mở rộng các nhà máy hiện có ở Nhật Bản và xây dựng thêm nhiều nhà máy ở Mỹ, cũng như có khả năng thiết lập sự hiện diện ở Singapore, năng lực sản xuất của công ty này vẫn tập trung ở Đài Loan.

Bắc Kinh đã tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Đáp lại, Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Sau nhiều tháng căng thẳng, trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách ổn định quan hệ giữa hai nước. Hôm 14-11, họ gặp nhau bên lề hội nghị của nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 tại Bali, Indonesia. Đây là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa họ kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào đầu năm 2021.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật