A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn tạo ra liên kết mới

Kết thúc cuộc gặp nhau ở Trại David (Mỹ) ngày 18.8, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đều dùng nhiều mỹ từ to tát để đề cao cuộc gặp cấp cao chính thức ba bên đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn tạo ra liên kết mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Trại David, ngày 18.8.2023. Ảnh: Twitter Tổng thống Mỹ

Ông Biden đề cập đến "kỷ nguyên mới" của quan hệ hợp tác. Ông Kishida và ông Yoon sử dụng những cách thể hiện khác nhau để làm nổi bật ý nghĩa lịch sử của sự kiện.

Bản tuyên bố chung được bộ ba thông qua sau cuộc gặp và trao đổi bao hàm những nội dung về tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ, cũng như trao đổi kịp thời thông tin về nguy cơ chuỗi cung ứng bị tổn hại để cùng nhau ứng phó. Những nội dung này vốn không thể thiếu trên chương trình nghị sự của sự kiện để làm nhạt nhoà bớt mức độ nồng đậm của những nội dung về hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh.

Mỹ vốn có mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống từ nhiều thập kỷ nay với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chỉ song phương chứ chưa có được liên minh hay liên kết ba bên về quân sự, quốc phòng và an ninh. Mỹ hiện tại vẫn duy trì lực lượng không nhỏ và có nhiều căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ ba này cũng đã nhiều lần tập trận quân sự chung và đều có nhu cầu đối phó Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng một liên minh quân sự hay liên kết quân sự ba bên cho tới nay vẫn chưa được chính thức hoá và thể thức hoá.

Với kết quả của cuộc gặp vừa qua ở Trại David, bộ ba này đã đặt nền móng và định hướng để rồi đây bất cứ khi nào cũng có thể biến liên kết hiện tại của họ trở thành một liên minh quân sự thực thụ. Không phải vô cớ mà trên thế giới đã có không ít ý kiến và quan điểm cho rằng, bộ ba kia hiện tại thì chưa nhưng trong thực chất thì đã nhăm nhe nhằm tới hình thành một dạng "NATO ở khu vực Đông Á" khi thấy cần thiết và mọi điều kiện chín muồi.

Ông Joe Biden, ông Yoon Suk Yeol và ông Kishida Fumio thoả thuận thể chế hoá cuộc gặp cấp cao thành khuôn khổ thường niên, tiến hành tập trận quân sự chung hàng năm, trao đổi thông tin tình báo và tham vấn lẫn nhau khi có bên nào đấy bị đe dọa an ninh.

Trong bản tuyên bố chung về cuộc gặp ở Trại David, bộ ba trên dùng ngôn từ nặng hơn hẳn so với trước đấy để phê phán Trung Quốc. Họ xác định một số bước đi cụ thể để đối phó Triều Tiên. Cũng chính vì thế mà Trung Quốc và Triều Tiên chắc chắn không thể im lặng về bản tuyên bố chung này.
Ngoài ra, bộ ba ấy không quên lặp lại những quan điểm chung của họ về cuộc xung đột Nga - Ukraina, về hậu thuẫn Ukraina và về trừng phạt Nga.

Đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc tổ chức được cuộc gặp cấp cao ba bên này ở Trại David và kết quả đạt được là thành công lớn về đối ngoại. Ông Biden đã trung gian và vận động tích cực để Nhật Bản và Hàn Quốc hòa giải với nhau và bình thường hoá quan hệ trở lại với nhau. Ông Biden đã không những chỉ củng cố mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn gây dựng nên liên kết hợp tác ba bên về quân sự, quốc phòng và an ninh nhằm không những chỉ có đối phó Trung Quốc và Triều Tiên ở khu vực Đông Á, mà còn theo đuổi những lợi ích chiến lược lâu dài của cả ba ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khu vực lớn này, Mỹ là thành viên của Bộ Tứ (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia), có liên minh an ninh ba bên với Anh và Australia (AUKUS) trấn ải vùng Nam Thái Bình Dương và giờ hình thành liên kết ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc án ngữ vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Liên kết này đương nhiên giúp cho Nhật Bản và Hàn Quốc hưởng lợi đơn, ích kép và giúp Mỹ có thêm ưu thế và lợi thế nổi bật hơn các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan