A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Campuchia xác định năm 2024 là năm phục hồi kinh tế

Thủ tướng Hun Manet khẳng định Preah Sihanouk là trục kinh tế quan trọng, việc khôi phục và vận hành trở lại công trình tòa nhà cũ, xây dựng dở dang ở đây sẽ thúc đẩy phát triển các địa phương khác.

Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Manet chủ trì sự kiện công bố “Chương trình xúc tiến đầu tư đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk năm 2024,” ngày 31/1/2024. (Ảnh: AKP/TTXVN phát)

Ngày 31/1, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet tuyên bố xác định năm 2024 là năm phục hồi của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này.

Theo phóng viên thường trú tại Campuchia, ngày 31/1, phát biểu tại sự kiện triển khai “Chương trình xúc tiến đầu tư đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk năm 2024” được tổ chức tại thành phố cảng Sihanoukville, Thủ tướng Hun Manet khẳng định tỉnh Preah Sihanouk là trục kinh tế hết sức quan trọng, việc khôi phục và vận hành trở lại các công trình tòa nhà cũ, xây dựng dở dang trên địa bàn thành phố biển Tây Nam này sẽ thúc đẩy phát triển các địa phương khác ở Campuchia.

“Chương trình xúc tiến đầu tư đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk năm 2024” được triển khai nhằm thay đổi diện mạo địa phương ven biển Tây Nam Campuchia này thành một tỉnh có nền tảng kinh tế phát triển dựa trên lĩnh vực công nghiệp, du lịch và đầu tư; xử lý nhanh và hiệu quả những thách thức thực tiễn đang đặt ra tại địa phương; đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang tính bổ khuyết và đồng bộ với các chính sách và chiến lược của Chính phủ Hoàng gia Campuchia; cũng như xúc tiến đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi và phát triển công nghiệp ở tỉnh Preah Sihanouk nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Thông qua đó, chương trình hướng tới mục tiêu tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Preah Sihanouk trong năm 2024, tập trung vào 3 loại hình dự án đầu tư và kinh doanh chính bao gồm: các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh liên quan đến các dự án công trình dở dang tồn đọng nhằm tái khởi động và triển khai ngay trong năm 2024; các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh không liên quan đến công trình dở dang, tồn đọng nhưng được khởi động ngay trong năm 2024; đồng thời mở rộng các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh hiện có theo các tiêu chí cụ thể được triển khai thực hiện ngay trong năm 2024 này.

Để hiện thực hóa định hướng và các mục tiêu trên, “Chương trình xúc tiến đầu tư đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk năm 2024” của Chính phủ Hoàng gia Campuchia đề ra một số giải pháp then chốt nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh duyên hải Tây Nam này.

Bao gồm các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan hoạt động đầu tư và kinh doanh, tạo thuận lợi trong hoạt động cấp giấy phép đầu tư và thị thực, miễn phí dịch vụ công, chính sách ưu đãi về thuế, cùng nhiều ưu đãi khác liên quan hoạt động xây dựng, quy hoạch các khu dân cư và các trục đường chính, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, cũng như quy hoạch xây dựng những khu đất tiềm năng trở thành khu vực tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh hoặc khu du lịch.

Các đại biểu tham dự sự kiện công bố “Chương trình xúc tiến đầu tư đặc biệt tại tỉnh Preah Sihanouk năm 2024.” (Ảnh: AKP/TTXVN phát)

Để triển khai hiệu quả chương trình trên, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thành lập nhóm công tác liên bộ trực thuộc Ủy ban Chính sách Tài chính và Kinh tế quốc gia để thúc đẩy đầu tư vào địa bàn tỉnh Preah Sihanouk.

Trong định hướng đưa tỉnh duyên hải này thành địa phương phát triển kinh tế hàng đầu của Campuchia, Thủ tướng Hun Manet khuyến khích nhóm công tác liên bộ tiếp tục nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế Campuchia tăng trưởng phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực.

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, trên địa bàn tỉnh Preah Sihanouk hiện có 362 dự án công trình dừng thi công, cần nguồn vốn đầu tư bổ sung hơn 1,1 tỷ USD để tái khởi động và hoàn thành các công trình, dự án dở dang, tồn đọng. Bên cạnh đó, còn có 176 dự án công trình đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động.

Trong năm 2023, Campuchia tiếp nhận 268 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn khoảng 4,9 triệu USD. Trong đó, dòng vốn đầu tư đến từ Trung Quốc và trong nước chiếm gần 90%.

Các dự án đầu tư trong năm qua ở Campuchia chủ yếu tập trung ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Kampong Speu, Kandal và Takeo, cùng các địa phương phát triển các đặc khu kinh tế như tỉnh Svay Rieng và Preah Sihanouk./.


Tác giả: Huỳnh Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật