A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu hỏi lớn sau vụ 27 người tử nạn trên đường đi cách ly ở Trung Quốc

Chiếc xe buýt chở người đi cách ly gặp tai nạn ở tây nam Trung Quốc đã dấy lên sự bất bình trong công chúng về mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp chống dịch Covid-19.

Chiếc xe buýt màu vàng bị hư hại nghiêm trọng, đang được một xe tải kéo đi. Ảnh: Caixin.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin chiếc xe buýt bị lật trên đường cao tốc vào rạng sáng 18/9 ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam nước này khi đang chở hành khách đến một cơ sở cách ly.

Theo cảnh sát địa phương, vụ tai nạn khiến 27 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương. Một tài khoản mạng xã hội do Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc quản lý cho biết vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 2h40, trước khi bài đăng bị xóa.

Vụ tai nạn chết người đã đặt ra những câu hỏi mới về những thiệt hại trong chiến dịch "Zero Covid-19" không khoan nhượng tại Trung Quốc.

Trong các tuần gần đây, biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của Bắc Kinh đã gây ra sự thất vọng khi thiệt hại về người và của gia tăng dù đã gần ba năm sau đại dịch.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở huyện Vân Nham thuộc Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Ảnh: AP.

Chỉ trong năm nay, các nhà chức trách đã phong tỏa nhiều vùng lãnh thổ lớn của đất nước suốt nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng. Trong đó, đáng chú ý nhất là Thượng Hải - thành phố 25 triệu dân và là thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc - đã bị phong tỏa trong hai tháng vào mùa xuân.

Không chết vì Covid-19 nhưng chết trên đường cách ly

Hôm 19/9, một số người dùng Internet đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự bất bình và cám cảnh về bi kịch` của các hành khách trên chuyến xe buýt ở Quý Châu.

Việc chiếc xe buýt chở người đi cách ly vào giữa đêm trên đoạn đường núi quanh co khiến nhiều người đồn đoán rằng điều này dường như để tránh gây sự chú ý.

Một số người khác lại đặt câu hỏi có vấn đề gì khẩn cấp khiến nhà chức trách phải đưa người dân rời khỏi nhà của họ vào thời điểm này.

Trước đó, năm 2018, Trung Quốc đã thông qua quy định vận tải cấm xe khách đường dài hoạt động từ 2h đến 5h, với lý do lo ngại về an toàn.

Vào cuối tuần trước, Phó thị trưởng Quý Dương Lin Gang đã cúi đầu xin lỗi, bày tỏ "nỗi buồn cùng sự hối hận sâu sắc" trước những thương vong.

Tuy nhiên, trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, cử chỉ này được đón nhận bởi thái độ hoài nghi.

"Một lời xin lỗi sẽ không khiến người đã khuất sống lại", một bài đăng được chia sẻ rộng rãi cho rằng vụ tai nạn đã khiến công chúng mất dần niềm tin.

"Điều này không nên xảy ra. Nếu họ được cách ly ở nhà, họ sẽ không mất mạng", theo một bài đăng khác.

Chiếc xe buýt chạy trong đêm, tài xế cũng mặc đồ bảo hộ chống dịch. Ảnh: Weibo.

Hôm 19/9, chính quyền Quý Dương cho biết họ không ghi nhận ca mắc nào trong cộng đồng suốt ba ngày liên tiếp, đồng thời tuyên bố rằng nguy cơ lây truyền "đã được ngăn chặn một cách hiệu quả".

"Virus không lấy đi mạng sống của họ, nhưng họ vẫn không quay trở lại", một người viết trên mạng xã hội. "Họ không chết vì Covid-19, họ chết trên đường đi cách ly. Thật đáng buồn".

Một trong những bình luận phổ biến nhất trên nền tảng Weibo là "Làm sao bạn biết rằng bạn sẽ không có mặt trên chuyến xe buýt sáng sớm đó vào một ngày nào đó?" - đã thu hút hàng nghìn lượt thích trước khi nó bị xóa.

"Không có trường hợp tử vong nào do Covid-19, 27 trường hợp tử vong do tai nạn trên đường đi cách ly", bài viết này cũng được nhiều người dùng mạng xã hội đăng lại.

Tranh cãi

Chính sách chuyển những người tiếp xúc gần ca mắc Covid-19 đến các cơ sở kiểm dịch tập trung - thường nằm cách xa trung tâm đô thị - đã gây tranh cãi kể từ khi nó được áp dụng lần đầu tiên ở Trung Quốc.

Vào tháng 3/2020, một khách sạn cách ly ở thành phố Tuyền Châu, đông nam Trung Quốc bị sập, khiến 29 người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 thiệt mạng.

Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi đợt dịch liên quan đến biến chủng Omicron dễ lây truyền bùng phát vào cuối năm 2021. Khi Omicron bắt đầu lây lan ở thành phố Tây An, miền Tây Bắc Trung Quốc vào tháng 12/2021, chính quyền địa phương đã áp dụng chính sách trên nhằm chặn đứng chuỗi lây truyền trong cộng đồng.

Tuy nhiên, chính sách này đã gây ra sự bức xúc khi nó được áp dụng rộng khắp trong thời gian Thượng Hải phong tỏa vào mùa xuân, buộc hàng chục nghìn người, bao gồm cả trẻ sơ sinh và người già, vào các cơ sở cách ly.

Một nhân viên mặc trang phục bảo hộ khử trùng hành lang tại khách sạn đang được sử dụng làm nơi cách ly ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Ảnh: Zuma Press.

Trong trường hợp của Quý Châu, kể từ đầu tháng này, tỉnh có gần 40 triệu dân đã ghi nhận khoảng 2.600 trường hợp mắc Covid-19, bao gồm cả các ca mắc không triệu chứng.

Trong bối cảnh đó, tài khoản mạng xã hội chính thức của Quý Dương cho biết thành phố đã chuyển những người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 đến cơ sở cách ly. Đến hôm 17/9, thành phố đã chuyển được hơn 7.000 người và đang chuyển thêm 2.900 người khác.

Vào đêm 18/9, các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy có nhiều người được thông báo vào khoảng nửa đêm rằng họ sẽ được chuyển đến cơ sở cách ly tập trung.

Cùng ngày, chính quyền địa phương ở Quý Dương đã công bố 8 trường hợp quan chức công cộng và nhân viên công vụ "thi hành nhiệm vụ một cách thiếu trách nhiệm và không đúng" - chẳng hạn không xét nghiệm axit nucleic đúng hạn.

Sau vụ tai nạn, Nhân dân Nhật báo hôm thứ 19/9 đưa tin ba quan chức địa phương sẽ bị đình chỉ chức vụ trong khi chính quyền tỉnh điều tra vụ tai nạn.

Trước đó, vào ngày 1/9, chính quyền Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, gần Quý Châu, cũng đã yêu cầu 21 triệu cư dân ở nhà và xét nghiệm Covid-19 hàng loạt.

Một tuần sau, bất chấp trận động đất mạnh 6,8 độ làm rung chuyển khu vực và khiến gần 100 người thiệt mạng, một số cư dân không được nhân viên phòng chống Covid-19 cho ra ngoài, làm dấy lên làn sóng gây tranh cãi trên mạng xã hội.


Tác giả: Minh An (Theo Wall Street Journal )
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật