A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc trao đổi của phi công khi F-22 bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Chiến dịch bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc của quân đội Mỹ là cơ hội tuyệt vời để những người yêu thích radio nghe tiếng các phi công trao đổi khi làm nhiệm vụ.

Khi các máy bay chiến đấu của Mỹ xuất kích làm nhiệm vụ bắn hạ chiếc khinh khí cầu Trung Quốc tại bờ biển miền Đông nước Mỹ hôm 4/2, nhiều người đã vội lấy máy ảnh ra để không bỏ lỡ khoảnh khắc đáng chú ý này.

Trong khi đó, một số người khác ngồi yên trong nhà - dù cũng hào hứng không kém. Thay vì giương mắt và giơ máy ảnh lên không trung, họ bật máy thu sóng radio và lắng tai nghe những đoạn trao đổi giữa các phi công và đài kiểm soát mặt đất.

"Tôi nhảy dựng lên, thu dọn mọi thứ và bắt đầu lắng nghe. Tôi đã rất hứng thú", ông Ken Harrell, một người yêu thích radio, kể lại với AP.

Âm thanh từ không trung

Sau khi chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc đã bay trong không phận Mỹ nhiều ngày, chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyết định bắn hạ vật thể này hôm 4/2 (giờ địa phương), khi nó vừa bay khỏi đất liền Mỹ.

Nhiệm vụ trên được giao cho một chiếc máy bay F-22 xuất phát từ căn cứ quân sự Langley-Eustis, bang Virgina. Chiếc máy bay này được trang bị một tên lửa AIM-9X. Một số máy bay chiến đấu khác cũng xuất kích để hỗ trợ.

khinh khi cau trung quoc anh 1

Tiêm kích F-22 Mỹ phóng tên lửa AIM-9X trong thử nghiệm năm 2015. Ảnh: USAF.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các phi công cần phải bắn khinh khí cầu khi vật thể bay này cách bờ biển ít nhất 6 dặm (khoảng 10 km). Điều này nhằm đảm bảo các mảnh khí cầu không rơi xuống đất liền, đe dọa sự an toàn của người dân.

Trong khi đó, họ cũng cần đảm bảo sẽ khai hỏa khi khinh khí cầu này vẫn nằm trong không phận của Mỹ.

"Năm dặm cách bờ biển", lực lượng phụ trách phòng không phía đông của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) - thường được biết đến với biệt danh "Huntress" - nói, theo các đoạn ghi âm được những người chơi radio thu lại. NORAD đã xác nhận tính chân thực của các đoạn ghi âm này.

"Frank 1 đã sẵn sàng", phi công trên chiếc F-22 đầu tiên nói. Cả hai chiếc máy bay đều có biệt danh "Frank" để tưởng nhớ thiếu úy Frank Luke, một phi công chiến đấu của Mỹ trong Thế chiến I, người đã bắn rơi 14 khinh khí cầu và 4 máy bay Đức, theo Drive.

"Frank 2 đã sẵn sàng", chiếc máy bay còn lại thông báo ngay sau đó.

khinh khi cau trung quoc anh 2

Một chiếc máy bay F-22 cất cánh tại căn cứ quân sự Langley-Eustis hôm 4/2. Ảnh: Không quân Mỹ/AP.

Khi đài kiểm soát mặt đất thông báo rằng chiếc khinh khí cầu đang cách bờ biển đúng 6 hải lý, chiếc F-22 đầu tiên khai hỏa.

"Chiếc khinh khí cầu đã bị phá hủy hoàn toàn", một chiếc F-15 cùng tham gia nhiệm vụ thông báo. "Rõ ràng kim loại đang bị vỡ ra".

Những nội dung trên không được phát trên tần số dân sự mà các phi công máy bay thương mại thường sử dụng. Các binh sĩ Không quân Mỹ liên lạc với nhau bằng một tần số quân sự không mã hóa. Tần số này được NORAD sử dụng để bảo vệ khu vực phía đông nước Mỹ.

Những người mê bắt sóng

Với các loại radio thích hợp, những người đam mê hàng không tại Mỹ thường xuyên quét các tần số để theo dõi nhiệm vụ của lực lượng không quân. Họ coi đây là sở thích của mình.

Ông Ken Harrell, 68 tuổi, cư dân thị trấn Summerville, bang South Carolina, là một trong những người như vậy.

khinh khi cau trung quoc anh 3

Các binh sĩ Hải quân Mỹ trục vớt xác của khinh khí cầu. Ảnh: Hải quân Mỹ/Drive.

Khi bắt đầu thú vui vài năm trước đây, ông Harrell đã mua một máy bắt sóng, dựng một ăng-ten, sử dụng một số ứng dụng để kết nối, trước khi có thể bắt đầu nghe. Chiếc máy bắt sóng của ông chỉ có giá 160 USD.

Hôm 4/2, ông Harrell nhận được cuộc gọi từ một người bạn có chung sở thích. Người này thông báo Huntress đang chỉ dẫn cho phi đội F-22 bắn hạ khinh khí cầu.

"Tôi đã nghe thấy những loại âm thanh khác: Máy bay chiến đấu huấn luyện, các bài tập đánh chặn. Chúng đều tuyệt vời. Tuy nhiên, khi máy bắt sóng bắt được âm thành từ lực lượng Huntress địa phương khi tôi bật lên, rõ ràng đây là một nhiệm vụ", ông Harrell nói.

Sau khi bắn hạ khinh khí cầu, Hải quân Mỹ đã lập tức triển khai chiến dịch tìm kiếm xác của vật thể bay này để phục vụ mục đích nghiên cứu. Hôm 7/2, lực lượng này đã công bố những bức ảnh về hoạt động thu hồi xác khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển bang South Carolina.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật